Điểm danh 10 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay

09/07/2021 09:28:02

Mức lãi suất này dành cho các kỳ hạn tiền gửi từ 1-3 tháng bằng VNĐ.

Khi có tiền nhàn rỗi, không ít người sẽ có tâm lý tìm một ngân hàng uy tín và có mức lãi suất huy động tiền gửi cao để gửi tiền.

Tuy nhiên, do tâm lý sợ phát sinh những công việc bất ngờ cần sử dụng mà rút tiền ngay trong khi chưa đến thời gian đáo hạn sẽ khiến số tiền lãi bị giảm rất nhiều, gần như là "mất trắng" nên nhiều khách hàng hay lựa chọn những kỳ hạn ngắn, từ 1 - 3 tháng để gửi tiết kiệm.

So với kỳ hạn 6 và 12 tháng, lãi suất của tiền gửi kỳ hạn 1 - 3 tháng khá thấp, chỉ bằng hơn 1/2. Nhưng tại mỗi ngân hàng sẽ niêm yết mức lãi suất khác nhau, chênh lệch khá lớn, lên đến gần 1%. Đơn cử như tại Techcombank, 2 kỳ hạn này có lãi suất lần lượt là 2,9 và 3,1%/năm, trong khi đó, tại GPBank cả 2 kỳ hạn này lên đến 4%/năm.

Dưới đây là danh sách 10 ngân hàng có mức lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng cao nhất thị trường, khách hàng có nhu cầu có thể tham khảo. Lưu ý, mức lãi suất này chúng tôi thống kê đến ngày 7/8 khi khách gửi trực tiếp tại quầy.

Điểm danh 10 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay

Đứng đầu danh sách lãi suất là GPBank với 4%/năm ở cả 2 kỳ hạn. Đây cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động thuộc top cao trên thị trường hiện nay ở cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Tiếp theo đến là VietBank với lãi suất 3,9% cho kỳ hạn 1 tháng và 4% cho kỳ hạn 3 tháng. Tại SCB và NamABank ở cả 2 kỳ hạn đều đang huy động tiền mức lãi suất 3,95%.

Thấp nhất trong số 10 ngân hàng chúng tôi liệt kê là VietABank với lãi suất cho cả 2 kỳ hạn là 3,75%. Mặc dù vậy, so với loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank (2,9 và 3,2%), Techcombank (2,9 và 3,1%), MB (3,0 và 3,4%) thì mức lãi suất huy động tại VietABank là khá cao.

Điểm danh 10 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay - 1
Bảng chi tiết lãi suất của GPBank.

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) mới đây lại đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0%. Theo VAFI, VAFI kỳ vọng việc đẩy lãi suất huy động về mức 0% sẽ kéo giảm lãi suất cho vay, kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển.

Phía VAFI nhấn mạnh, "đề xuất đưa tiền gửi VNĐ về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu để xác định con đường mà các nhà hoạch định chính sách phải đi và VAFI tin tưởng rằng sẽ thành công vang dội".

Tuy nhiên, trái với quan điểm của hiệp hội này, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính), khẳng định: Chỉ cần lãi suất tiền gửi thấp hơn lạm phát là dòng tiền lập tức chảy ra khỏi ngân hàng.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng giả sử đưa được lãi suất tiền gửi VNĐ về 0%, trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, thì người dân cũng không mấy mặn mà gửi tiền vào ngân hàng vì còn có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản...

Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật