Đi gọi vốn 30 tỷ được 'cá mập' Shark Tank khuyên 'gọi điện cho cổ đông vợ', CEO tự quyết và cái kết

28/06/2021 11:07:15

Tất nhiên, việc không gọi điện cho "cổ đông vợ" không ảnh hưởng đến kết quả startup ra về tay trắng, mà do không đạt được đồng thuận về phần trăm cổ phần cho 30 tỷ đồng gọi vốn Shark Tank.

Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập, giám đốc công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu đến Shark Tank Việt Nam mùa 4 kêu gọi 30 tỷ cho 20% cổ phần, đầu tư thương hiệu cà phê Meet More. Mee More mang đến loại cà phê phối trộn bởi tinh cà phê và tinh bột của nông sản trái cây, chứa rất ít caffeine.

Trong mùa dịch vừa qua, công ty cũng đã cho nhượng quyền xe cà phê trái cây bao gồm máy pha cà phê công nghệ ứng dụng AI. Bằng việc quét QR code, khách hàng có thể chọn lựa thức uống thông qua menu trên giao diện điện thoại.

Thêm một điều đặc biệt là khi khách hàng đứng trước máy pha cà phê, sản phẩm phù hợp với lứa tuổi khách hàng sẽ được giới thiệu trên màn hình tivi. Một máy chỉ chứa 4 hoặc 6 loại cà phê.

Sau khi thử trải nghiệm sản phẩm, đa số các Shark đều đánh giá cà phê ngon và đã trao đổi thêm với nhà sáng lập về sản phẩm, về công nghệ của máy và giá cả bán ra thị trường.

CEO cho biết, chi phí nhượng quyền một xe cà phê là 70 triệu đồng, bên anh sẽ cung cấp toàn bộ máy, xe và trang bị kỹ năng cho khách hàng. Theo tính toán của CEO Nguyễn Ngọc Luận, nếu bán được 300 ly cà phê, trong khoảng 6 tháng có thể hòa vốn đầu tư.

Đi gọi vốn 30 tỷ được 'cá mập' Shark Tank khuyên 'gọi điện cho cổ đông vợ', CEO tự quyết và cái kết
Nguyễn Ngọc Luận - Nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet more. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Shark Louis hỏi thêm về cơ hội thị trường của loại cà phê chứa rất ít caffeine như Meet More khi những người thích uống cà phê thì thường muốn thưởng thức một ly cà phê thật sự.

Ngọc Luận cho rằng, tỷ lệ số người muốn uống loại cà phê này có thể lên đến 50% dựa trên một cuộc khảo sát vào năm 2018.

"Thời gian đầu chúng tôi tự nghiên cứu thông qua những tổ chức ở trên mạng. Chúng tôi phải trả cho họ phí nghiên cứu. Từ Hàn Quốc họ đã nghiên cứu ra và đưa về và cùng chúng tôi tham vấn. Trong đó Amazon cũng là kênh để chúng tôi khảo sát, để xem lượng cà phê nhẹ như vậy đang bán trên Amazon nhiều hay không" – anh Luận nói.

Tuy nhiên, Shark Louis không bị thuyết phục bởi dự đoán này của startup, theo ông, cần có 1 nghiên cứu chính xác, tổ chức uy tín đo lường về quy mô thị trường, thay vì chỉ ước lượng như Ngọc Luận nêu ra.

Đi gọi vốn 30 tỷ được 'cá mập' Shark Tank khuyên 'gọi điện cho cổ đông vợ', CEO tự quyết và cái kết - 1
Quầy cà phê nhượng quyền của Meet more. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Chia sẻ thêm về tình hình kinh doanh, anh Luận cho hay, anh và vợ dùng số tiền 40 tỷ đồng sau nhiều năm startup để đầu tư cho nhiều giai đoạn của Meet More. Doanh số gần nhất của năm 2020 là 20 tỷ đồng, lợi nhuận 20%. Meet More hiện đã có 40 quầy cà phê tại TP Hồ Chí Minh. Công ty cũng đã ký hợp đồng cung cấp với Trung Quốc, Nhật Bản và ký độc quyền với một siêu thị.

Shark Phú cho rằng, kinh doanh như vậy không thể có lãi, nếu startup đầu tư 40 tỷ phải làm ra doanh số 120 tỷ.

CEO Meet more phản biện rằng công ty đã ký được rất nhiều hợp đồng bán sản phẩm ra nước ngoài, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid nên đang chậm lại. Đây chính là tiền đề của việc phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, Shark Phú không đồng tình, ông cho rằng, kế toán khi hoạch toán sẽ không tính đến các dự án tương lai mà chỉ quan tâm xuất được bao nhiêu hàng, trừ đi chi phí để tính ra lỗ - lãi cụ thể.

Nói rõ hơn về tài chính, CEO Ngọc Luận cho hay, trong 20% lợi nhuận, giá vốn của Meet More chiếm 30% (6 tỷ đồng), 20% là chi phí vận hành nhà máy và marketing, lương cho 40 nhân sự.

Đầu năm 2021, trong 4 tháng đầu năm, Meet More đã đạt doanh số 15 tỷ.

Đi gọi vốn 30 tỷ được 'cá mập' Shark Tank khuyên 'gọi điện cho cổ đông vợ', CEO tự quyết và cái kết - 2
Các nhà đầu tư khen cà phê Meet More ngon. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Trả lời cho câu hỏi của Shark Liên về việc định giá công ty quá cao (hơn 120 tỷ đồng), CEO Ngọc Luận cho rằng, startup đã xây dựng được thị trường ở Việt Nam và quốc tế, anh mong muốn có sự đồng hành của các nhà đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn.

"Hệ thống mở quán thì hiện nay đang bán thương hiệu cho nước ngoài, đã bán được cho Hàn Quốc. Cuối năm 2020, từ tháng 8 đã triển khai trong thị trường Việt Nam. Trong 6 tháng, hệ thống thương mại điện tử, các siêu thị đã vào hàng, thậm chí các cơ quan, xí nghiệp, văn phòng đã ủng hộ sản phẩm này" – anh Luận tiết lộ.

Đánh giá Meet More đã đưa ra một phương án mới nhưng Shark Louis chưa nghiên cứu nên cần tìm hiểu nhiều hơn từ nhà sáng lập để có thể đem sản phẩm này sang nước ngoài.

Anh Luận tiết lộ, sản phẩm này đã được bán tại Mỹ, được cộng đồng người Việt tại Úc rất ủng và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu bán sản phẩm này.

Shark Phú cho rằng, với hàng thực phẩm, doanh số 20 tỷ là quá nhỏ, bởi nếu là hàng "hot", chỉ cần vào thị trường có thể kiếm được hàng nghìn tỷ đồng. "Em bán đi nhiều nước, nhưng chỉ mới dừng lại thăm dò thị trường thôi".

"Cá mập" không tin doanh số 20 tỷ với quy mô công ty 40 người có thể có lãi, mà doanh số cần 30-40 tỷ đồng mới đạt điểm hòa vốn. Shark Phú muốn startup phải thật sự rõ ràng về bức tranh tài chính. Ông đưa ra đề nghị, 30 tỷ cho 50% cổ phần chia đều cho các Shark.

Đề nghị của Shark Phú được Shark Liên, Shark Louis và Shark Bình đồng ý.

Nhà sáng lập Meet More không đồng ý vì hiện công ty chỉ có 2 cổ đông là anh và vợ, CEO muốn giữ ít nhất 60% cổ phần.

Trước sự phân vân của startup, Shark Hưng và Shark Bình khuyên Ngọc Luận nên tham khảo ý kiến của vợ trước khi quyết định. Tuy nhiên, CEO nhanh chóng đề nghị 30 tỷ đồng cho 35% cổ phần. Với mức này, dàn cá mập Shark Tank đều không đồng ý đầu tư.

Sau thương vụ, CEO Ngọc Luận khá tiếc vì không gọi được vốn, tuy nhiên, anh mong muốn nhận được sự đồng hành của cộng đồng, chung tay để nâng tầm giá trị nông sản Việt, vươn tầm ra thế giới.

Theo Hoàng Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)