Theo quyết định mới nhất của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 21-6, xăng dầu trong nước có lần tăng giá thứ 7 liên tiếp. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 185 đồng/lít, có giá 31.302 đồng/lít; xăng RON95 tăng 498 đồng/lít, có giá 32.873 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu tăng mạnh hơn, dầu diesel tăng 999 đồng/lít, có giá 30.019 đồng/lít; dầu hỏa tăng 946 đồng/lít, lên mức 28.785 đồng/lít và dầu ma-dút tăng 378 đồng/kg, có giá 20.735 đồng/kg.
Chẳng thấm vào đâu!
Giá xăng tăng và giải pháp giảm thuế để hạ nhiệt mặt hàng này tiếp tục được người dân, doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra khiến nhiều người đánh giá chỉ như "muối bỏ bể" so với giá xăng dầu đang lập đỉnh hiện nay.
Theo đó, Bộ Tài chính giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu ma-dút, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với sức "nóng" của giá xăng dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế BVMT như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này. "Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, "van" quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được, còn "van" thuế, chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế BVMT" - ông Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh nếu chỉ giảm thêm 1.000 đồng thuế BVMT thì không có nhiều tác dụng.
Hiện nay, ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít bán ra đang có 3 loại thuế khác, gồm: GTGT (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB, 10%). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị cần giảm thêm các loại thuế như GTGT, nhập khẩu, TTĐB thì mới góp phần hạ giá xăng dầu một cách đáng kể.
Theo chuyên gia này, người dân vẫn chưa "tâm phục khẩu phục" việc đánh thuế TTĐB lên xăng dầu, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải hàng hóa xa xỉ. "Mục đích của thuế TTĐB là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá... Trong khi xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, sao lại có mức thuế suất đó?" - ông Ngô Trí Long đặt vấn đề và cho rằng đây là thời điểm phải đánh đổi, chấp nhận hụt thu ngân sách để kéo giảm giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân, DN.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã có đề xuất phải giảm thuế, đặc biệt là thuế BVMT và một số loại thuế phí, khác. "Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã đề xuất và Chính phủ rất quyết liệt trong vấn đề này, thời gian tới sẽ giảm thêm thuế" - ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Chấp nhận hụt thu 2-3 tháng
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay giảm thuế xăng dầu. Theo đó, cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách từ 2-3 tháng để giảm giá nhiên liệu. "Dư địa giảm thuế chúng ta vẫn còn nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác. Không nên giảm "nhỏ giọt" như thời gian vừa qua hoặc đề xuất mới đây của Bộ Tài chính" - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất.
Về thuế TTĐB đối với xăng dầu, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng trong bối cảnh cấp bách hiện nay, chưa phải là lúc bàn đến tính hợp lý hay không hợp lý của sắc thuế này mà trước mắt cần tạm ngừng thu. Ông Lạng lưu ý nếu Việt Nam tạm ngừng thu các loại thuế, sẽ kéo giảm giá xăng dầu xuống, có thể xảy ra tình trạng buôn lậu. Về lâu dài, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Đây cũng là giải pháp dài hạn mà PGS-TS Ngô Trí Long đề cập bên cạnh "van" giảm thuế như ông nêu ở trên.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết thuế TTĐB chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu các loại. Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Cơ quan này cho rằng tại Việt Nam, Luật Thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB, do đó nếu thực hiện giảm thuế đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định nên không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn nên sẽ có độ trễ nhất định.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho biết trước mắt sẽ không đề xuất điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng mà bộ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.
Cần triển khai sớm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư tổng hợp TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM - nêu thực trạng nhiều DN "chết lâm sàng" do ảnh hưởng dịch Covid-19. Sau dịch, DN gắng gượng khôi phục nhưng có nhiều tín hiệu kém tích cực, hầu hết DN vẫn đang loay hoay khắc phục những khó khăn nội tại cũng như các vấn đề phát sinh do chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, giá cả sản phẩm đầu ra... Thời gian qua, giá xăng dầu tăng đột biến, gần gấp 3 lần so với trong dịch Covid-19 nên tác động đến phí logistics, vận chuyển... càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của DN.
Theo ông Dũng, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12-2022, trong đó giảm thuế BVMT đối với xăng còn 1.000 đồng/lít trong bối cảnh giá xăng dầu đang trên đà tăng sẽ khó kìm giá xăng hoặc giá các hàng hóa, dịch vụ khác nên sẽ không tác động đáng kể đến việc kéo giảm các chỉ số kinh tế. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ đối với DN, người dân.
Trên thực tế, thuế BVMT là thuế gián thu, thu trực tiếp từ người tiêu dùng nên các chuyên gia cho rằng nếu được điều chỉnh giảm thuế BVMT trong lúc này sẽ tác động trực tiếp đến mọi người dân nói chung. Theo ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty Dịch vụ kế toán Đồng Hưng, diễn biến giá xăng dầu trên thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Tuy nhiên, mỗi quốc gia tùy điều kiện cụ thể sẽ có chính sách riêng cho mình. Trong lúc này, khó khăn của người tiêu dùng bức thiết hơn nhiều so với BVMT nên cần thiết phải sớm triển khai thực hiện.
Trong khi đó, ông Trương Chí Thăm, Giám đốc Công ty CP Vận tải Vĩnh Thành, nói thẳng nếu giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít thì chẳng thấm vào đâu khi giá xăng dầu tăng liên tục và chưa có điểm dừng. Vận tải hàng hóa hiện nay đang rơi vào mùa thấp điểm nhưng giá xăng dầu tăng cao gây khó khăn rất lớn cho hoạt động vận tải. DN vận tải phải gồng mình chịu đựng chứ không có lợi nhuận, thậm chí lỗ sau khi trừ chi phí khấu hao, lãi vay ngân hàng. Để hạn chế tổn thất, rất cần nhà nước xem xét lại các loại thuế, phí và nhanh chóng miễn giảm để cứu DN.
Theo ông Lê Trung Tín, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách TP HCM, với giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay, nếu giảm được đồng nào hay đồng đó. Việc giảm thêm 1.000 đồng thuế BVMT cũng là đáng quý vào lúc này.
Tuy nhiên, giải pháp giảm thuế, phí cần làm ngay để DN bớt khổ. Chính sách thuế, phí ở một số nước họ làm rất tốt, như Malaysia chẳng hạn, giá xăng của họ chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/lít. "Do đó, cũng phải học hỏi, chia sẻ bài học từ các nước trong khu vực để hỗ trợ DN cũng như người tiêu dùng trong nước" - ông Tín cho hay.
T.Nhân - N.Hải
Theo Minh Chiến - Thanh Nhân - Nguyễn Hải (Nld.com.vn)