Theo dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành, công thức tính giá điện bán lẻ bình quân có sự thay đổi so với hiện hành.
Cụ thể theo dự thảo, giá bán điện bình quân hàng năm được tính trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và lợi nhuận định mức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
So với quy định hiện hành, dự thảo lần này bổ sung lợi nhuận định mức của EVN vào công thức tính giá điện bình quân (tách từ các khoản lợi nhuận định mức của các khâu dịch vụ phụ trợ, truyền tải, phân phối - bán lẻ, quản lý chung, điều độ). Cùng đó, đã cố định khoản lợi nhuận này vào công thức tính giá điện, thay vì sẽ được đưa vào công thức ở từng thời điểm như hiện hành.
Lợi nhuận định mức của EVN, theo đó, là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và giá trị vốn chủ sở hữu cho sản xuất, kinh doanh điện của EVN.
Tại góp ý sửa đổi Quyết định 24 của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc cố định lợi nhuận định mức của EVN vào công thức tính giá điện là "phù hợp với cách tính giá điện thời gian qua".
Trước đó, Quyết định 219/2018 của Thủ tướng về phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016-2020 cũng yêu cầu EVN phải có lợi nhuận tối thiểu 3% trên vốn chủ sở hữu.
"Đây là khoản lợi nhuận hợp lý, giúp EVN có nguồn vốn để đầu tư các dự án điện mới trong bối cảnh nhu cầu điện của Việt Nam tăng nhanh hơn tốc độ tăng công suất phát điện trong vài năm qua", văn bản góp ý của VCCI nêu.
Và ở lần tăng giá điện ngày 20/3 vừa qua, EVN đã được hưởng lợi nhuận định mức 3% vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, việc xác định mức lợi nhuận vẫn được quyết định trong từng lần tăng giá điện, phụ thuộc nhiều vào cân đối kinh tế vĩ mô hơn là phục vụ nhu cầu đầu tư nâng cao năng lực cung cấp điện. "Điều này khiến việc thiếu điện trở thành nguy cơ lớn trong một vài năm tới đây", VCCI nêu quan điểm và đề nghị, khoản lợi nhuận định mức của EVN nên được xác định trên cơ sở nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do Thủ tướng ban hành.
Cũng tại văn bản góp ý, VCCI đề nghị công khai phương án giá điện thay vì được coi là tài liệu mật. Cơ quan này cho rằng, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, tài chính.
Việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể.
Vì thế, VCCI đề xuất, phương án tăng giá điện cần được công khai ít nhất 10 ngày trước khi ban hành và các quyết định tăng giá có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ký.
Ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36% lên mức 1.864,44 đồng một kWh. Theo tính toán EVN thu hơn 20.000 tỷ đồng nhờ tăng giá điện, nhưng phải chi trên 21.000 tỷ trả nợ. Tính toán tác động với các chỉ số vĩ mô, Bộ Công Thương cho biết, với mức tăng 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)