Tại cuộc họp Tổng cục Đường bộ chiều 2/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu cơ quan tham mưu đề xuất quy định quản lý Uber, Grab đúng quy định, bình đẳng với các loại hình vận tải khác.
Theo ông Thể, Uber và Grab "có nước ủng hộ, có nước không", tuy nhiên thời gian qua, theo phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, Uber là loại hình vận tải. "Tổng cục Đường bộ cần tham mưu cho Bộ để làm sao quản lý Uber, Grab đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh", ông Thể đề nghị.
Bộ trưởng cũng đặt vấn đề mỗi năm Uber báo lỗ nghìn tỷ đồng, nhưng thực sự có lỗ không hay "do cạnh tranh không sòng phẳng, giảm giá tối đa để cạnh tranh với taxi truyền thống?". Uber muốn hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ đúng loại hình kinh doanh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho người dân.
"Xảy ra chuyện lái xe cướp giật hay giết người thì ai chịu trách nhiệm? Các anh cứ nghiên cứu để đi trước một số bước so với các nước trong quản lý Uber, Grab", Bộ trưởng Thể gợi ý.
Trước đó ngày 20/12/2017, Tòa án công lý châu Âu đã phán quyết Uber là một công ty cung cấp dịch vụ vận tải sau khi nhiều tranh cãi đây là công ty vận tải hay là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ.
Một động thái khác là hãng taxi Vinasun gửi công văn kiến nghị tới Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hủy quyết định về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học hỗ trợ và kết nối vận tải khách và quản lý Grab, Uber như hoạt động vận tải taxi.
Hãng taxi này cho rằng hoạt động của Uber và Grab đã vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ thuế. Trong thời kỳ 2014-2016 Vinasun phải đóng tới 1.200 tỷ đồng tiền thuế thì GrabTaxi chỉ phải nộp 9,5 tỷ đồng.
Đại diện Uber, Grap vẫn khẳng định họ là công ty công nghệ và không trốn thuế. "Grab là công ty công nghệ và không sở hữu bất cứ phương tiện nào. Chúng tôi kết hợp với các hợp tác xã và nhà cung cấp dịch vụ vận tải để khai thác lượng xe nhàn rỗi, sẵn có đã được đăng ký của họ", Jerrry Jim - Giám đốc Grab Việt Nam chia sẻ.
Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)