Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 23 cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch.
Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế.
Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, WB, OECD,… tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Chính phủ nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn. Nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực.
Sớm sửa đổi để kịp thời tháo gỡ hạn chế của thị trường xăng dầu
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ. Trong điều kiện có nhiều khó khăn không thể lường trước, năm 2022, nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật: GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, sự phục hồi được ghi nhận khá đồng đều ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; kinh tế số tiếp tục tăng trưởng; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao; lạm phát được kiểm soát. Bên cạnh đó các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương được quan tâm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có vấn đề xăng dầu, giá điện, thị trường bất động sản.
Theo báo cáo của Chính phủ, thị trường xăng dầu hiện đã ổn định. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện đã vận hành 107% công suất, bù lượng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian sự cố. Nguồn cung trong nước đảm bảo.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý, điều hành thị trường này. Cụ thể, 7 tháng qua giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số địa phương.
Nguyên nhân chính là do cách tính giá bán lẻ xăng dầu chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh và chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng Quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước. Việc này dẫn đến thực tế nhiều cửa hàng bán lẻ đối phó bằng cách bán nhỏ giọt…
Ủy ban Kinh tế cho rằng, các giải pháp này không bền vững, chỉ là giải pháp tình thế để các đầu mối giảm bớt tồn kho, thu hồi vốn, chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu có bất cập. Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch.
Chẳng hạn, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn thì giá trong nước sẽ cao hơn thế giới.
Ủy ban Kinh tế dẫn ý kiến của Thanh tra Chính phủ, nhận xét quản lý Quỹ bình ổn giá "còn nhiều vấn đề, gần như không quản lý được". Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu.
Liên quan đến giá điện, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc từ ngày 4/5 giá điện đã tăng 3% lên mức giá bán lẻ bình quân là 1.920,37 đồng/kWh khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Ủy ban Kinh tế chỉ ra điểm không hợp lý trong cơ cấu giá của Bộ Công Thương, là giá điện sinh hoạt vẫn bù chéo cho sản xuất, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính khoản lỗ của EVN năm 2022 hơn 26.200 tỷ đồng và sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Cũng theo cơ quan của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, được thể chế hóa trong các chiến lược, cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này còn khó khăn khi điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.
Ông Thanh cũng lưu ý Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí phục vụ sản xuất và vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.
Thị trường bất động sản vẫn ‘đóng băng’
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh đến những khó khăn của thị trường trái phiếu, tài chính khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn.
Họ hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.
Ủy ban Kinh tế dẫn thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), pháp lý (hầu hết ở các văn bản dưới luật) là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản, chiếm 70% khó khăn của các dự án, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm).
Có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp huy động vốn với số lượng lớn thời gian qua làm tăng dư nợ của nền kinh tế dẫn đến “bong bóng” với thị trường bất động sản tăng cao bất thường.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa phản ánh đúng khi trong thời gian qua chỉ có phân khúc cao cấp gặp khó, còn phân khúc nhà ở dành cho số đông người dân vẫn thiếu hụt. Chính phủ cần hỗ trợ nhà đầu tư mới phát triển phân khúc này.
Theo Ủy ban Kinh tế, đầu năm 2023, thị trường, doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản...).
Theo Thu Hằng (VietNamNet)