Đến khi về hưu, năm 2002, ông Toán cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, địa chỉ và nhiều chi nhánh đổi tên hoặc sáp nhập chi nhánh khác. Sau bao lần trùng điệp truy tìm cái ngân hàng đã gửi tiền, sau rất nhiều đơn thư và sau bao thủ tục xác minh từ phía ngân hàng, ông Toán được rút tiền.
Ông Toán bên một sổ tiết kiệm còn giữ lại được. |
Từ đó đến nay đã 13 năm, ông Toán chưa đến ngân hàng để rút số tiền tiết kiệm đó. Hiện Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội vẫn giữ toàn bộ 12 cuốn sổ tiết kiệm của ông.
Gửi tiết kiệm 30 năm, 5 tháng lương mua được 1 mớ rau
Chịu chung hoàn cảnh như ông Toán, bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) sau 30 năm gửi tiết kiệm, với giá trị khi gửi khoảng 5 tháng lương, nhưng khi nhận giá trị tiền gửi chỉ còn mua được 1 mớ rau.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, năm 1983, theo sự vận động của tổ dân phố nơi sinh sống, bà Thủy gửi tiết kiệm 270 đồng (mệnh giá thời điểm đó) vào Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu, địa điểm lãnh tiền tại Kho bạc Nhà nước ở địa chỉ 368 Bạch Đằng, P.14, Q.Bình Thạnh. Số tiền 270 đồng của bà Thủy gửi tiết kiệm vào thời điểm gửi được xem như cả một gia tài mà vợ chồng bà đã dành dụm từ nghề sửa tủ lạnh. Số tiền này tương đương năm tháng lương của một công chức và đáng giá tiền sinh hoạt nhiều tháng của một gia đình đông người. Bà Thủy đã giữ cẩn thận sổ tiết kiệm trong nhiều năm, nhưng chỉ vì nghĩ mình chưa cần đến số tiền này nên bà cũng không tính đi rút.
Bà Lê Thị Bích Thủy với cuốn sổ tiết kiệm giá trị tiền gửi chỉ còn mua được 1 mớ rau. |
Sau hơn 30 năm, dựa trên lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ cũng như do trải qua thời kỳ đổi tiền, giá trị tiền đồng cũng thay đổi, Ngân hàng VietinBank - đơn vị tiếp nhận và giải quyết sổ này - đã tính cả gốc lẫn lãi cho bà Thủy là 4.385 đồng.
Không muốn đến ngân hàng nhận số tiền gửi tiết kiệm giờ chỉ mua được mớ rau, ngày 12/12/2014, bà Lê Thị Bích Thủy đã trao sổ tiết kiệm có thời điểm gửi tiền từ năm 1983 cho đại diện Bảo tàng TP.HCM để đưa vào Bảo tàng trưng bày.
Ngã ngửa khi nhận lãi tiết kiệm
Liên quan đến câu chuyện tiền tiết kiệm "bốc hơi", anh Quãng Hùng Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể câu chuyện tương tự của cha mình là ông Quãng Văn Hai trên Tuổi Trẻ.
Anh Minh cho hay, năm 2001, sau khi “gõ cửa” nhiều nơi, gia đình ông được hướng dẫn đến NH Công thương VN (VietinBank) chi nhánh 3, TP.HCM sẽ là đơn vị chi trả cho khoản tiết kiệm có số dư gửi là 1.800 đồng vào ngày 8/11/1975 do ba anh Minh đứng tên.
Thông báo mời lãnh tiền tiết kiệm của NH Công thương VN chi nhánh 3 gửi cho ông Hai. |
“Nhận giấy mời lãnh tiền mà nhà tôi ngã ngửa. Tiền lời không đủ tiền xe lên ngân hàng lãnh tiền nên ba tôi cũng bỏ luôn. Đến giờ tôi vẫn giữ tờ giấy báo làm kỷ niệm” - anh Minh cho biết trên báo này.
Do đồng tiền mất giá?
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho biết trên báo Tuổi Trẻ, trước đây phần lớn người dân đi gửi tiền tiết kiệm hay mua các dạng công trái... trong tinh thần đóng góp xây dựng đất nước nên ít ai để ý đến lãi thế nào.
Về nguyên tắc, những sổ tiết kiệm này dù bao năm đi nữa trách nhiệm của ngân hàng là phải lưu trữ, xác minh hồ sơ, chứng từ để luôn bảo đảm chi trả cho người dân, dù người dân quên 20-30 năm thì vẫn phải cộng dồn lãi suất và tính toán đúng.
Sổ tiết kiệm của những năm 80. Ảnh minh họa. |
Cũng bàn về vấn đề này, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho biết trên Tuổi Trẻ: "Số lượng người gửi tiết kiệm trước đây nhiều lắm, thiệt hại của họ cũng rất lớn. Người ta có 10 đồng thì người ta mất 9 đồng. Đó là lịch sử mà chúng ta đã trải qua. Mọi người có lẽ đành phải chấp nhận". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: "Khi người dân có những băn khoăn, thấy tiền gửi vào ngân hàng mà không sinh lợi thì ngành ngân hàng phải xem xét. Lòng tin của người gửi tiền giảm đi thì ngân hàng nên nhận thấy đây là yếu kém của mình".