Tại Diễn đàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được triển khai dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 27-9, các chuyên gia nhận định cần tăng nguồn lực đầu tư để vùng kinh tế này phát triển tương xứng với thế mạnh vốn có.
Giảm dần lợi thế cạnh tranh
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) được coi là "đầu tàu" có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước. Trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế của vùng luôn giữ mức ổn định và cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung cả nước. Đây cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, 140 khu công nghiệp – khu chế xuất đang hoạt động...
Dù vậy, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định vùng đang đối mặt thách thức về tăng trưởng kinh tế khi có xu hướng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước đồng thời chậm lại trong các cuộc đua với các khu vực kinh tế khác trong cả nước. Những lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ.
Đặc biệt, theo TS Vũ Tiến Lộc, cơ chế, chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, thiếu đột phá; cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính tự phát, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh của vùng...
"Chúng ta nói nhiều đến hội nhập quốc tế nhưng muốn hội nhập thành công phải hội nhập tốt trong nền kinh tế Việt Nam mà vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đi đầu trong liên kết, hội nhập lẫn nhau", TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến và cho biết cộng đồng DN kiến nghị cần có Ban chỉ đạo khu vực mà đứng đầu là Phó Thủ tướng; có một hội đồng vùng trên cơ sở phối hợp địa phương; một hội đồng DN trên cơ sở tương tác giữa các DN. Đây sẽ là 3 chân kiềng cho sự phát triển của vùng.
Để phát huy tiềm năng thực sự của vùng kinh tế này, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy "phát triển kinh tế vùng" thay vì "kinh tế tỉnh" thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bổ ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch vùng theo Luật quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.
Gỡ nút thắt về giao thông
Một trong những điểm nghẽn lớn của vùng là vấn đề giao thông kết nối. Theo TS Trần Du Lịch, cần xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối là tiền đề của liên kết phát triển vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới, cùng với đó là tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông vùng. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi khởi nghiệp của rất nhiều DN và trong tương lai, nếu giải quyết tốt các điểm nghẽn, đây sẽ tiếp tục là điểm đến của rất nhiều DN khác.
Chia sẻ về những chính sách then chốt để thúc đẩy phát triển vùng kinh tế quan trọng này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường ĐH Fulbright cho rằng những việc cần làm là quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng; hoàn thiện cơ chế đấu thầu và giải bài toán ngân sách cho vùng. Đồng thời, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và tận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khuôn khổ cho mô hình đối tác công tư PPP và phát huy các cơ chế đặc thù cho từng địa phương.
Về phía địa phương, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, xây dựng và phát triển hệ thống logistic trong vùng, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng. Cần xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực DN để xây dựng hạ tầng cho vùng mà tiên quyết là hệ thống giao thông logistic gắn với phát triển công nghiệp, đô thị…
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)