Người mua nhà ở thế ‘cửa dưới’
Theo phản ánh của ông T.P.C, năm 2018, ông ký hợp đồng đặt cọc với Công ty Cổ phần dịch vụ và đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ (Đất Xanh Đông Nam Bộ) để mua căn hộ tại dự án chung cư Sunshine Avenue (đường số 41, P.16, Q.8, TP.HCM). Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH dịch vụ và kinh doanh địa ốc Minh Bình. Đất Xanh Đông Nam Bộ là đơn vị phát triển dự án.
Sau khi ký hợp đồng, ông C. đã thanh toán 180 triệu đồng cho Đất Xanh Đông Nam Bộ. Theo thoả thuận, dự kiến khoảng 6 tháng sau, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán với ông C, nếu không Đất Xanh Đông Nam Bộ phải hoàn trả tiền đặt cọc cho ông C.
Tuy nhiên, theo ông C, vì nhiều lý do, dự án Sunshine Avenue sau đó không thể triển khai thi công. Đầu năm 2019, ông C. làm thủ tục lấy lại tiền đã thanh toán nhưng suốt thời gian dài Đất Xanh Đông Nam Bộ vẫn không hoàn trả.
Một dự án chung cư từng gây bức xúc cho nhiều khách hàng liên quan đến việc đặt cọc là Ascent Plaza (số 375 – 377 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh). Dự án do Công ty TNHH Tiến Phát Đông Bắc (Công ty Tiến Phát) làm chủ đầu tư.
Từ năm 2018, nhiều người ký thoả thuận đặt cọc mua căn hộ tại dự án này với Công ty Tiến Phát và đã thanh toán từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tương ứng 25% giá trị căn hộ. Sau đó, chủ đầu tư liên tục lùi thời điểm ký hợp đồng mua bán, trong khi dự án Ascent Plaza chưa hoàn thiện pháp lý nên không có động thái xây dựng nào.
Đến tháng 4/2022, nhiều khách hàng bất ngờ khi nhận thông báo về phương án thanh lý thoả thuận đặt cọc từ Công ty Tiến Phát. Chủ đầu tư này cho biết hoàn trả toàn bộ tiền đặt cọc, kèm lãi suất 5%/năm kể từ thời điểm thanh toán đến khi hoàn tất thủ tục thanh lý.
Các khách hàng không đồng thuận với phương án trên, họ cho rằng lãi suất 5%/năm là quá thấp và không loại trừ khả năng chủ đầu tư đang muốn thu hồi các căn hộ để bán giá cao hơn.
Trong khi đó, ông Võ Minh Hoàng, TGĐ Công ty Tiến Phát, thừa nhận vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên dự án Ascent Plaza vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi công xây dựng. Về việc hoàn trả tiền đặt cọc kèm lãi suất 5%/năm, ông Hoàng cho rằng đây là sự thương lượng giữa công ty và cá nhân từng khách hàng.
Tại TP.HCM, những năm qua, tình trạng tranh chấp liên quan đến thoả thuận đặt cọc khi dự án có vấn đề pháp lý không ít. Có thể kể đến các dự án như: Urban Green (TP.Thủ Đức) của chủ đầu tư Kusto Homes; Western Park (Q.Bình Tân) của Công ty Đức Long Gia Lai; HausBelo (TP.Thủ Đức) của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ Minh Sơn…
Không được thu tiền đặt cọc quá 5% giá trị căn nhà ?
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, pháp luật kinh doanh bất động sản (BĐS) hiện hành không có quy định về việc thu tiền của người mua nhà ở hình thành tương lai bằng hình thức thoả thuận đặt cọc. Do đó, chủ đầu tư ký thoả thuận đặt cọc và thu tiền của khách hàng là không đúng.
Đồng thời, theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành tương lai phải tuân thủ điều kiện và hình thức giao dịch theo pháp luật kinh doanh BĐS.
Cụ thể, nếu là nhà chung cư, toà nhà hỗn hợp với mục đích để ở thì phải có biên bản nghiệm thu phần móng, phải có văn bản xác nhận nhà ở hình thành tương lai đủ điều kiện để bán của cơ quan quản lý xây dựng.
Theo Luật sư Chánh, thực tế có không ít dự án chung cư dù chỉ là bãi đất trống nhưng chủ đầu tư đã thu tiền tỷ của khách hàng bằng hình thức ký thoả thuận đặt cọc. Việc giải quyết những tranh chấp thường kéo dài, người mua nhà là bên chịu thiệt.
“Các chủ đầu tư viện cớ hoặc giải thích đây là quan hệ pháp luật dân sự về đặt cọc là chưa đúng. Rõ ràng các chủ đầu tư đang kinh doanh BĐS nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh BĐS”, Luật sư Chánh nói.
Về huy động vốn, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có quy định về việc huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn huy động trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành tương lai. Trong đó, chủ đầu tư được thu tiền mua nhà ứng trước theo hợp đồng.
Theo đó, tại khoản 3 điều 26 có quy định: Chủ đầu tư dự án chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng có nhu cầu mua, thuê nhà ở hình thành tương lai sau khi đã khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng; số tiền nhận đặt cọc không được vượt quá 5% giá trị nhà ở được mua bán.
Đồng tình với việc thu tiền đặt cọc không quá 5% giá trị căn nhà, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng quy định này sẽ tránh được tình trạng các chủ đầu tư thu tiền đặt cọc quá lớn, có thể phát sinh hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho người mua nhà.
Tuy vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị cần quy định rõ việc nhận đặt cọc đối với bên chuyển nhượng nền đất nhà ở hình thành tương lai không nằm trong dự án BĐS, tức các trường hợp phân lô, tách thửa.
Bên chuyển nhượng loại hình BĐS này chỉ được nhận đặt cọc sau khi cơ quan Nhà nước cho phép tách thửa theo pháp luật đất đai và tiền đặt cọc không quá 5% giá trị nền nhà hình thành tương lai.
Theo Anh Phương (VietNamNet)