Đua nhau tăng giá
Có nhu cầu mua nhà từ đầu năm nay, vợ chồng chị Trần Thị Liên (Đống Đa, Hà Nội) đi tìm hiểu một số dự án chung cư mới mở bán. Hai vợ chồng chị chỉ có khoản tài chính 3 tỷ đồng, có thể vay mượn thêm 500 triệu đồng. Chị Liên không muốn vay ngân hàng vì lo ngại các thủ tục khó khăn và mức lãi suất có thể tăng cao, gây áp lực tài chính cho gia đình.
Đi xem một dự án trên địa bàn quận Đống Đa, chị Liên chóng mặt khi mức giá chủ đầu tư rao bán từ 80 triệu đồng, căn hộ 1 phòng ngủ đã lên tới trên 4 tỷ đồng. Dự án này được quảng cáo là cao cấp, ngay trung tâm thành phố. Mặc dù nhân viên môi giới rất nhiệt tình, nhưng vợ chồng chị Liên lắc đầu vì không đủ khả năng.
Chị Liên bàn với chồng tìm dự án xa hơn, các quận ngoài trung tâm, mức giá có thể giảm hơn. Chị tìm hiểu một dự án ở Linh Đàm, cách nhà chị khoảng 9km với kỳ vọng giá mềm hơn. Một lần nữa, chị Liên lại thất vọng bởi mức giá bán khởi điểm từ 50 triệu đồng/m2. Căn hộ 2 ngủ rộng khoảng 70m2 mức giá cũng từ 3,5 tỷ đồng, cao hơn so với số tiền vợ chồng chị đang có.
Chưa kể, dự án ở khu vực xa trung tâm, hạ tầng khu vực đang quá tải về giao thông, trường học. Nếu 2 năm nữa dự án bàn giao, dọn về đây ở, chị đi lại gặp khó khăn. Vợ chồng chị đành ngậm ngùi từ bỏ ý định mua nhà để chờ tính lại.
Chị cho hay: “Giá chung cư đang quá cao, nhiều dự án ngoài trung tâm mà toàn trên 50 triệu đồng/m2, chưa biết có xịn hay không nhưng đi xa là mệt rồi”.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang tìm nhà tại Cầu Giấy để chuẩn bị cho con sang năm vào lớp 1. Anh cho hay, tài chính 3 tỷ đồng mua nhà rất khó vì ít dự án. Các chủ đầu tư đều làm ở phân khúc cao cấp nên họ chào bán đã cao rồi. Trong khi đó, cách đây vài năm, 3 tỷ đồng có nhiều sự lựa chọn.
“Khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy nhiều trường học nhưng lại không có dự án mới nào. Tâm lý mua nhà ai cũng muốn chọn mới nên vợ chồng đang vất vả tìm kiếm”, anh Hiếu cho hay.
Theo khảo sát trên thị trường, mức giá chung cư Hà Nội tại các dự án mở bán mới đang khá cao so với cách đây vài năm. Đơn cử, khu vực trung tâm quận Đống Đa, một dự án chung cư đang giới thiệu có giá từ 80 triệu đồng/m2. Khu vực Linh Đàm, căn hộ của chủ đầu tư đến từ TP.HCM có giá 50 triệu đồng/m2. Hay như dự án mới ra tại đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân) cũng có giá gần 60 triệu đồng/m2.
Các khu vực xa trung tâm như Nam Từ Liêm, các dự án chung cư mới đang chào bán cũng đều có giá trên 50 triệu đồng/m2. Tương tự, khu vực Gia Lâm, giá căn hộ chung cư mới có giá từ 50-60 triệu đồng/m2. Tài chính tầm 3 tỷ đồng, người mua nhà không có nhiều sự lựa chọn tại các dự án chung cư mới.
Trong đó, phân khúc nhà ở giá rẻ cũng đang thiếu nguồn cung mới; các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện có đã được hấp thụ hết.
Tăng mạnh hơn TP.HCM
Ông Bùi Quang Thành, môi giới sàn bất động sản ở Long Biên cho hay, chung cư ở Hà Nội nhu cầu thực luôn cao và giá thời điểm này cao hơn cũng phản ánh đúng quy luật cung-cầu. Do nguồn cung hạn chế, các dự án chung cư đều tung ra lượng hàng nhỏ giọt để các sàn ôm, chính vì thế mà người mua chịu mức giá chênh tại một số dự án vị trí đẹp. Mức giá 3 tỷ đồng, nếu chấp nhận mua nhà tại các huyện vùng ven thì có nhiều sự lựa chọn.
Thống kê của trang Bất động sản cho thấy, chung cư là loại hình duy nhất của Hà Nội có lượng quan tâm tăng. Các phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp và cao cấp lần lượt tăng 3%, 9% và 2% về mức độ quan tâm so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá rao bán căn hộ Hà Nội cũng tăng từ 6% đến 13% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng này còn cao hơn so với tốc độ tăng giá của căn hộ chung cư ở TP.HCM (tăng từ 4% đến 8%).
Theo các chuyên gia, tâm lý chọn mua chung cư mới dẫn tới giá nhà các dự án mở bán đều khá cao. Ông Nguyễn Đức Thêm, Savills Hà Nội giải thích rằng, sản phẩm mới từ chủ đầu tư thường có nhiều ưu điểm hơn đối với người mua nhà để ở. Người mua với nhu cầu thực vẫn luôn tìm kiếm những sản phẩm có giá thành hợp lý và chất lượng đạt yêu cầu. Những đối tượng này thường ưu tiên những căn hộ sơ cấp bởi đây là các sản phẩm mới hoàn toàn, chưa bị khấu hao qua thời gian sử dụng.
Khi lựa chọn căn hộ được chào bán lần đầu, người mua thường cũng không phải chịu nhiều áp lực về dòng tiền do được hưởng lợi từ các chính sách bán hàng của chủ đầu tư như hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, thanh toán theo tiến độ và các ưu đãi khác. Nếu mua lại một sản phẩm thứ cấp thì hầu hết người mua sẽ phải thanh toán toàn bộ trong thời gian rất ngắn để nhận bàn giao nhà. Đây là điều kiện mà những gia đình tài chính eo hẹp khó đáp ứng được.
Bên cạnh đó, giá trị của sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của người mua. Mức giá của sản phẩm sơ cấp sẽ được xác định theo thời giá hiện tại. Đối với sản phẩm thứ cấp, chủ nhà khi mua được hưởng giá thấp hơn do tính theo mặt bằng trong quá khứ. Khi bán lại ở thời điểm hiện tại, họ luôn cố gắng bán theo mức giá của thị trường. Do vậy, giá cả sẽ có độ chênh lệch nhất định trong khi sản phẩm thực tế đã bị khấu hao tùy mức độ. Theo ông Thêm, tâm lý chung của nhiều người mua không sẵn sàng trả thêm đối với một sản phẩm đã qua sử dụng.
Một lý do khác khiến người dân ưu tiên các sản phẩm sơ cấp là bởi các dự án mới ngày càng chú trọng hơn về hệ thống tiện ích nội và ngoại khu như siêu thị, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, khu tập thể thao.
Đưa ra dự đoán về nguồn cung nhà ở trong thời gian tới, ông Thêm chia sẻ, chưa có nhiều điểm đột biến trong câu chuyện của năm 2022. Điều này có thể hiểu được vì các đơn vị bất động sản vừa trải qua một khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với hạn chế từ chính sách thắt chặt tín dụng đầu năm. Dự báo thị trường có thêm 14 dự án mới và 2 dự án triển khai giai đoạn 2, cung cấp 11.726 căn vào cuối năm nay.
Theo Duy Anh (VietNamNet)