Lao dốc không phanh, thanh khoản mất hút
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến thêm một phiên giảm mạnh với chỉ số VN-Index rớt gần 63 điểm (tương đương giảm 4,82%). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của một thị trường chứng khoán trên thế giới trong ngày 12/5.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn một tháng, chỉ số VN-Index đã rơi gần 300 điểm, tương đương mức giảm gần 19%. Vốn hóa thị trường bốc hơi tổng cộng khoảng 50 tỷ USD trong vài tuần.
Thị trường chứng khoán ghi nhận gần như tất cả cổ phiếu lớn nhỏ giảm mạnh, không phân biệt cổ phiếu của doanh nghiệp có lợi nhuận cao hay thấp, triển vọng tốt hay xấu. Áp lực bán ra không quá lớn, với chỉ vài nghìn tỷ đồng những lúc cao điểm, nhưng sức cầu rất thấp.
Trong phiên 12/5, trong 30 cổ phiếu trụ cột nhóm VN-30 có tới 11 mã giảm sàn, với những cái tên rất ấn tượng như: Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Masan, Petrolimex, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Chứng khoán SSI, Sacombank, Techcombank, VPBank và Vincom Retail.
“Thị trường giảm độc nhất vô nhị trên thế giới, rơi như trời sập, như có chiến tranh”, một nhà đầu tư chia sẻ trên mạng xã hội.
Ông Vũ Hữu Tấc, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, thị trường giảm sâu bất ngờ khi mà áp lực bán ra trong phiên trước và sáng 12/5 không lớn. Áp lực bán chỉ tăng nhanh trong buổi chiều nhưng tổng giá trị cũng không đột biến.
Theo ông Tấc, thị trường chứng khoán giảm trái ngược với kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển với tăng trưởng quý I khá cao, 5,03% trong khi lạm phát ở mức thấp so với thế giới. Triển vọng kinh tế thuộc nhóm tốt trên thế giới dù bị ảnh hưởng bởi Covid và tình trạng giá cả leo thang trên thế giới.
Ở chiều ngược lại, bà Đỗ Thị Yến, một nhà đầu tư khác lo ngại về dòng tiền “mất hút” trong thời gian gần đây. Giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ 10-20 nghìn tỷ đồng, thay vì 25-40 nghìn tỷ đồng đều đặn mỗi phiên trong cả năm tính đến đầu tháng 4/2022.
Dòng tiền suy yếu khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhộn nhịp trở lại sau Covid, lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng và thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn sau 2 năm tăng đột phá từ mức 700 điểm lên trên 1.500 điểm.
Rủi ro xen cơ hội
Theo VNDIRECT Research, trong tuần, thị trường chứng khoán nhìn chung trong xu hướng điều chỉnh, có những phiên giảm khá mạnh, xen lẫn những đợt hồi phục nhẹ, tạo ra nhiều kịch tính với nhà đầu tư.
Về cơ bản, sau những phiên thị trường giảm điểm mạnh thì áp lực giải chấp margin (margin call) sẽ luôn xuất hiện kèm theo các cơ hội đầu tư, bắt đáy của các nhà đầu tư giá trị, tìm kiếm các cơ hội mua cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn hơn.
Do đó, trong ngắn hạn một vài phiên tới, rủi ro của thị trường sẽ nằm ở chỗ áp lực bán vẫn còn lớn, nhiều sức ép lên VN-Index. Tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại, lực cầu mua vào đang gia tăng khi nhiều cổ phiếu có cơ bản tốt, ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý I/2022 đã về vùng định giá hấp dẫn.
VNDIRECT Research cho rằng, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ sớm tìm được điểm cân bằng trong 1-2 tuần tới để tạo lập mặt bằng giá mang tính ổn định hơn, bao gồm cả tâm của nhà đầu tư.
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5, có thể thấy yếu tố rủi ro và cơ hội đang đan xen lẫn nhau.
Các rủi ro chính sẽ bao gồm: tăng trưởng của nền kinh tế thế giới suy yếu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài và Trung Quốc duy trì chính sách zero-COVID; là áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến dòng vốn đầu tư có xu hướng rút khỏi các tài sản rủi ro cao để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Trong khi đó, các cơ hội cũng không hề nhỏ khi đà điều chỉnh sâu vừa qua đã kéo mặt bằng định giá thị trường và nhiều cổ phiếu về mức rất hấp dẫn trong dài hạn.
Theo Bloomberg, P/E của chỉ số VN-INDEX trước phiên giảm sâu 12/5 ở mức 13,8 lần, chiết khấu khoảng 10% so với mức P/E bình quân 10 năm. Định giá của thị trường còn hấp dẫn hơn nếu tính đến yếu tố triển vọng doanh nghiệp.
Theo VNDIRECT Research, dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng trưởng lần lượt là 23% và 19% trong 2022 và 2023. Do đó, mức P/E forward của chỉ số VN-INDEX cho năm 2022 và 2023 lần lượt là 11,9 lần và 10,1 lần.
Nếu so sánh với mức P/E bình quân 10 năm qua là 15 lần, thì dư địa tăng trưởng của VN-INDEX trong 2 năm tới là khá lớn. Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam cũng đang cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ, thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường trong tháng 5 này.
Trong bối cảnh thị trường đang còn ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro, bất ngờ và khó đoán định, các nhà đầu tư được khuyến nghị dần thiết lập thói quen đầu tư theo tháp tài sản nhằm và phân bổ tài sản theo mục đích đầu tư để giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư theo tỷ trọng phù hợp với khẩu vị rủi ro, mục tiêu tài chính và độ tuổi để tối ưu lợi nhuận với mức rủi ro tối thiểu, cũng như giảm các ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến động của thị trường.
Theo M. Hà (VietNamNet)