Thị trường chứng khoán mở cửa phiên chiều 9/5 tiếp tục ghi nhận đà bán tháo mạnh mẽ hơn, áp lực giảm đến giá sàn đã xuất hiện trên diện rộng và gây lo ngại về một đợt call margin mới.
Tại lúc 14h30, thông tin trên Zing, áp lực bán tháo vẫn cứ mở rộng về cuối ngày khiến VN-Index đã bốc hơi 63,6 điểm (-4,79%) về 1.265,65 điểm trước phiên ATC. Toàn thị trường ghi nhận 956 mã giảm giá, trong đó có gần 337 mã giảm kịch sàn đáng chú ý như BVH, GVR, CTG, MWG, PNJ, SSI, TCB, TPB…
Trước đó lúc 14h, VN-Index lao dốc 55 điểm (-4,1%) về dưới mốc 1.275 điểm. HNX-Index cũng tiếp tục mở rộng đà rơi hơn 20,5 điểm (-6%) xuống dưới 323 điểm và UPCoM-Index bốc hơi 5,66% về 96 điểm.
Không chỉ sắc đỏ bao trùm toàn thị trường mà màu xanh lơ (giảm sàn) cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Toàn thị trường có 934 mã giảm giá (trong đó có khoảng 290 mã giảm kịch sàn), gấp 10 lần số mã tăng giá.
Đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn cũng bị bán rất quyết liệt khi nhóm VN30 rơi hơn 53 điểm (-3,87%) với toàn bộ 30 mã cổ phiếu lớn nhất đều giảm điểm, trong đó có 3 mã giảm sàn.
Bên cạnh cổ phiếu đầu cơ nằm sàn hàng loạt thì các cổ phiếu cơ bản cũng không khá hơn khi bị bán tháo dữ dội. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như STB, OCB, LPB, SHB, VPB… đều đã có thời điểm chạm giá kịch sàn. Sắc xanh chỉ còn hiện diện ở mã vốn hóa lớn là VCB của Vietcombank.
Cổ phiếu bất động sản và xây dựng thậm chí chìm trong áp lực bán sàn càng lớn hơn, nhiều mã có nền tảng tốt như NLG, HDG, VCG, HBC… đang giao dịch tại mức giá thấp nhất. Các mã đầu ngành như VHM của giảm 1,5%, NVL và PDR rơi hơn 2,5% giá trị.
Trong phiên giao dịch sáng 9/5, thị trường chứng khoán chìm nghỉm trong sắc đỏ do hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc ngay từ đầu phiên giao dịch.
Tạm khép lại phiên sáng, ghi nhận trên VTC News, VN-Index hiện giảm 47,2 điểm xuống 1.282 điểm. HNX-Index giảm 17,5 điểm xuống 325,9 điểm. UPCoM-Index giảm 4,02 điểm xuống 97,86 điểm.
Rổ VN30 giảm 43,64 điểm về 1.329 điểm với 30 trên 30 mã giảm điểm.
Trên sàn HSX, những mã giảm mạnh nhất gồm: FTS của Chứng khoán FPT giảm 7%, APG của Chứng khoán APG giảm 7%, VCI của Chứng khoán Bản Việt giảm 6,9%, PTL của Chứng khoán Victory Captal giảm 6,9%, ROS của FLC Faros giảm 6,9%, VGC của Viglacera giảm 6,9%, GEX của Tập đoàn Gelex giảm 6,9%…
Tương tự, trên HNX, mã UNI của Viễn Liên giảm 10%, mã THD của Thaiholdings giảm 9,9%, mã HAT của Thương mại Bia Hà Nội giảm 9,1%, HUT của Tasco giảm 9,4%, mã L14 của Licogi14 giảm 9,3%...
Trên UpCOM, mã THW của Cấp nước Tân Hoà gây “sốc” khi giảm 39,6%, mã CNN của Coninco giảm 14%, mã BVL của BV Land giảm 14%...
Mã THW của Cấp nước Tân Hòa giao dịch trên UpCOM từ 22/2/2016. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nhiệp này là khai thác, xử lý và cung cấp nước, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật... Trước phiên "nằm sàn" sáng nay, mã này liên tục đi ngang tại mức giá 10.100 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.
Ở chiều ngược lại, mã ST8 của Siêu Thanh tăng 6,7%, mã EMC của Cơ diện Thủ Đức tăng 6%, mã PHN của Pin Hà Nội tăng trần 10%, mã TST của Dịch vụ Kỹ thuật Viễn Thông tăng trần 9,7%, mã BDT tăng 14,9%, mã VCW tăng 14,9%...
Theo Người lao động đưa tin, chuyên gia môi giới của các công ty chứng khoán cho rằng thị trường đã gặp phải áp lực kiểm tra lại đáy của tuần trước, đồng thời kiểm tra lực tiền vào để xác định xu hướng. Trong khi đó, cũng có thông tin vĩ mô mang tính tích cực nhưng các thông tin thu hút nhà đầu tư trước đây, như đầu tư công, thì nay đã "cạn".
Quan trọng hơn, nhà đầu tư có tâm lý chán nản do thua lỗ nặng, nhiều người chưa có dòng tiền để quay lại. Chưa kể, yếu tố "sale in may - bán tháng 5" trong lịch sử của thị trường chứng khoán vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà đầu tư.
PN (Nguoiduatin.vn)