Trải qua thăng trầm, nhiều doanh nhân lẳng lặng đối mặt với khó khăn và có những bước chuyển cờ, thắng thế nhờ hệ thống kinh doanh hùng mạnh như những 'sân sau' chống đỡ khi những thế mạnh nổi bật nhất bị thách thức.
Hơn 3 năm sau sự cố, ông Đặng Văn Thành giờ đây vẫn vậy, vẫn tự tin và đam mê các công việc của mình. Điểm khác biệt so với trước đây có lẽ là lĩnh vực mà ông theo đuổi. Sau khi rời Sacombank, ông Thành bình thản tập trung đầu tư và phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trồng chè, nuôi bò và làm du lịch.
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã cùng CTCP Bò Kobe Việt Nam cho ra mắt sản phẩm Bò Kobe được sản xuất lần đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với TTC, ông Thành muốn giới thiệu những sản phẩm chứa đựng tâm huyết của mình như vậy.
Nhiều doanh nhân có bước chuyển mình ấn tượng sau khó khăn.
Bỏ qua những bảng số loằng ngoằng nhảy múa của ngành NH, doanh nhân này vui với sản phẩm nông nghiệp như chè Ngọc Bảo Trà Olong, say mê với công trình cây xanh và linh vật bằng đá lớn nhất Việt Nam, vui với Festival Hoa Đà Lạt 2015 với nửa triệu lượt khác du lịch đến với thành phố này và những thành tựu ấn tượng của con cái trong các lĩnh vực mía đường, BĐS.
Vài năm trước đây khi mà nền kinh tế gặp khủng hoảng, không ít doanh nhân trải qua những giai đoạn khó khăn. Họ đã chấp nhận làm lại và có những bước chuyển mình ấn tượng.
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) là một trường hợp như vậy. Chỉ 2 năm trước, ông Thành đối mặt với bao khó khăn. DN của ông nợ nần chồng chất. Ông phải làm việc với cả chục NH đã tháo gỡ các khoản nợ. Giá cổ phiếu rớt thảm hại xuống 5.000 đồng/cp.
Doanh nhân xuất phát điểm với nghề giáo, từ vùng đất Bình Định này đã khiến nhiều người phải nuối tiếc. Chỉ trong một thời gian ngắn, chưa tới một năm, ông Thành đã trở thành người vượt bão, vực dậy một DN chìm ngập trong nợ nần. Cổ phiếu TTF tăng từ dưới 10 ngàn đồng có lúc lên gần 35 ngàn đồng/cổ phiếu.
TTF tăng trưởng tích cực sau khi tái cơ cấu thành công các khoản nợ, giữ chân được khách hàng và mở rộng thị trường. Lãi tăng mạnh. Cuối năm 2015, chủ tịch Võ Trường Thành, Phó TGĐ Diệp Văn Tuấn cũng liên tục mua vào lượng lớn cổ phiếu và điều này đã góp phần giúp cổ phiếu TTF tăng mạnh trong giai đoạn này.
Hành trình hậu khủng hoảng
Mỗi lần khủng hoảng qua đi, các doanh nhân lại có thêm được kinh nghiệm và khả năng thích nghi tăng lên.
Nhiều doanh nhân đã và đang trải qua khó khăn.
Cũng giống như Trường Thành, ông Hồ Huy, chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đang âm thầm trỗi dậy sau một thời gian khá dài đứng bên bờ vực phá sản. Nhiều tín hiệu hồi phục đang trở lại với DN này trong bối cảnh giá xăng dầu xuống mức thấp kỷ lục.
Sau thời vận hạn, ông Đặng Thành Tâm âm thầm hồi phục, bung tiền lấy lại vị thế. Cái thời âu lo đã qua đi, chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) giờ đây sốt sắng trở lại với công việc kinh doanh và DN từng làm nên danh tiếng của doanh nhân này.
Có lẽ không khác gì ông Đặng Văn Thành, bi kịch hay sự xuống sắc của giới NH giờ đây có lẽ không còn là mối bận tâm của ông Đặng Thành Tâm, người đàn ông gắn với nghiệp phát triển KCN, xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Sự lạc quan và tâm lý sốt sắng với việc kinh doanh và đầu tư trái ngược với sự lo lắng, im hơi lặng tiếng và âm thầm rút vốn của gia đình ông Tâm thời gian trước đó. Trong vòng một năm ròng rã, kể từ tháng 9/2014, gia đình ông Tâm đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu KBC.
Ông Tâm đã hào hứng trở lại sau khi tái cơ cấu thành công KBC. Các tín hiệu tốt từ Hiệp định TPP cùng với các tương lai khá tươi sáng của kinh tế Việt nam so với khu vực cũng khiến sdoanh nhân này tự tin bung tiền.
Gần đây, giới đầu tư chứng khoán thấy được sự hồi phục khá ấn tượng của Ocean Group (OGC). Sau cú sốc của ông Hà Văn Thắm, Ocean Group đã bán nhiều dự án, thoái vốn tại nhiều đơn vị để tái cấu trúc. Từ cuối 2015, anh trai ông Hà Văn Thắm làm Phó Chủ tịch Ocean Group để góp phần phục hồi DN. Ông Hà Trọng Nam hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH).
Từ vị thế nằm trong top 30 cổ phiếu blue-chips trên sàn, OGC đã xuống vị thế cổ phiếu ruồi, trị giá một cốc trà đá. Giờ đây, nhiệm vụ của các cổ đông lớn, ban lãnh đạo là vực dậy một DN từng một thời là tâm điểm chú ý của giới đầu tư chứng khoán.
Trái với tâm lý nôn nóng, muốn phát triển nhanh, đa ngành nghề, dàn trải, nhiều doanh nhân đang hướng tới sự phát triển vững. Nhiều người muốn xây mô hình kinh doanh bền vững hơn, sinh thái hơn. Tĩnh sinh trí, sau khủng hoảng, nhiều doanh nhân đã có một khoảng lặng để sống chậm hơn, hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Theo H.Tú (Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam)