3 bất ngờ trong ngày tuyên án vụ ly hôn vợ chồng ông chủ Trung Nguyên

28/03/2019 13:40:01

Bà Thảo bật khóc rời tòa, nói 'quá bất công với mẹ con tôi'

Lần hiếm hoi trong lịch sử tố tụng, tòa liên tục bác bỏ các quan điểm của VKS khi cho rằng quá trình xét xử có nhiều vi phạm. Ngoài ra, mức án phí tòa công bố bị nhầm lẫn bất ngờ.

Chiều 27/3, sau hơn một tháng kéo dài xét xử, TAND TP.HCM đã chấp nhận cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ được ly hôn.

Bà Thảo được quyền nuôi 4 người con, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 đứa tính từ năm 2013 đến khi chúng trưởng thành. Bà Thảo được nhận 40% tài sản nhưng phải giao cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ và ông sẽ thanh toán lại cho bà bằng tiền.

1.764 tỷ trong tài khoản bà Thảo mà theo xác minh hiện chỉ còn hơn 1,3 tỷ được xem là tài sản chung nên sẽ được cấn trừ. Tổng cộng bà chủ King Coffee được nhận 3.364 tỷ. Cấn trừ thì ông Vũ phải trả cho bà hơn 1.200 tỷ.

Tòa bác bỏ quan điểm của VKS

Phát biểu quan điểm về vụ án, cơ quan công tố đánh giá HĐXX khi thụ lý vụ án có một số sai sót như chưa mở phiên họp công khai chứng cứ chứng minh yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ngoài ra, khi có xác minh tài khoản ngân hàng, thẩm phán đã không mở phiên hòa giải để công khai, giải quyết. Yêu cầu chia tiền, vàng trị giá 2.100 tỷ đồng, VKS cho rằng là yêu cầu mới phát sinh tại tòa. Trước đó, ông Vũ rút yêu cầu phản tố nhưng chủ tọa lại không ra quyết định đình chỉ. 

Đáng lẽ 2 bên phải được trình bày ý kiến về nội dung phản tố này. Tuy nhiên, phía bà Thảo cho rằng bà không được biết về việc ông Vũ vẫn yêu cầu chia số tiền này.

Quan điểm của VKS là tách số tiền phản tố ra để giải quyết riêng vì trong vụ án này chưa đủ cơ sở phân xử.

3 bất ngờ trong ngày tuyên án vụ ly hôn vợ chồng ông chủ Trung Nguyên
Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân là người điều hành phiên tòa ly hôn ồn ào này. Ảnh: Lê Quân.

VKS cũng cho rằng tòa có thiếu sót khi không triệu tập đúng người đại diện của ngân hàng để làm rõ giá trị tài sản tranh cãi. Về vấn đề này, cơ quan công tố đã có công văn đề nghị tòa khắc phục nhưng đến nay tòa chưa thực hiện.

Do đó, VKS đề nghị HĐXX khắc phục các vi phạm nêu trên mới có cơ sở giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trái ngược dự liệu có khả năng tòa sẽ điều tra bổ sung theo yêu cầu của VKS, HĐXX đã đưa ra các lập luận để bác bỏ quan điểm của cơ quan công tố.

Tòa chỉ ra việc giao hồ sơ cho cơ quan công tố là đúng quy định của pháp luật. Việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử dù có thiếu sót chưa tống đạt cho luật sư nhưng đến xét xử các luật sư đều có mặt, các đương sự đều không ai vắng nên tòa đưa vụ án ra xét xử là có căn cứ.

Đề cập đến biên bản hòa giải, phía tòa cho biết đã cung cấp thông tin xác minh tài khoản của các ngân hàng, các bên xem xét và đã ký. Do đó không thể nói rằng tòa không hòa giải đối chất, vi phạm. Điều này là không có cơ sở pháp luật.

Việc tòa chấp nhận việc thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện của ông Vũ liên quan số tiền phản tố cũng không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Nếu VKS cho rằng không đủ căn cứ đưa yêu cầu này ra xét xử thì tòa nhận định điều này sẽ vi phạm quyền nghĩa vụ của các đương sự. Việc đưa số tiền phản tố vào xét xử là phù hợp pháp luật.

Chia theo tỷ lệ 6:4

Trước khi TAND TP.HCM tuyên án sơ thẩm, nhiều ý kiến dự liệu các phương án phân chia tài sản sẽ theo ý ông Vũ (7:3), hay theo nguyện vọng của bà Thảo (5:5 nhưng nhận 51% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên) hoặc theo phương án phổ biến là sẽ chia đôi.

Tuy nhiên, tòa đã phân xử cho ông Vũ nhận 60% tài sản, bà Thảo nhận về 40%. HĐXX nhận định theo nguyên tắc tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ chồng, công sức đóng góp của mỗi người trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

HĐXX xét thấy ông Vũ và gia đình đã sáng tạo ra thương hiệu cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán nhà bố mẹ và tiền vay mượn. Tập đoàn Trung Nguyên thành lập trên cơ sở HTX cà phê Trung Nguyên. Trong thời gian thành lập đến nay ông Vũ giữ chức danh chủ tịch HĐQT. Những năm sau đó thay đổi tên gọi và bổ sung ngành nghề kinh doanh.

3 bất ngờ trong ngày tuyên án vụ ly hôn vợ chồng ông chủ Trung Nguyên - 1
Ông Vũ được giao toàn bộ cổ phần ở Trung Nguyên. Ảnh: Lê Quân.

“Quá trình duy trì, phát triển khối tài sản này, ông Vũ luôn là người giữ chức danh chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty. Ngoài ra, khi thành lập các công ty thuộc tập đoàn, số vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn của bà Thảo. Đây chính là căn cứ để đánh giá công sức của ai nhiều hơn trong việc hình thành khối tài sản chung của vợ chồng”, quan điểm của HĐXX nêu.

Bên cạnh đó, tòa cho rằng việc chia tài sản trong hôn nhân phải đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên những năm qua đều duy trì phát triển ở 650 tỷ đồng trở lên. Mặc dù kiện cáo ảnh hưởng nhưng công ty vẫn phát triển. Nên tòa xét thấy phải chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức bà Thảo. Do đó, tòa chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.

Án phí nhầm lẫn thành con số kỷ lục

Theo HĐXX công bố, án phí mà vợ chồng "vua cà phê" phải nộp lên đến con số hơn 80 tỷ đồng. Cụ thể, bà Thảo phải chịu án phí ly hôn 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản 34,2 tỷ đồng; ông Vũ phải đóng 48,7 tỷ án phí tài sản.

Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, HĐXX thông báo bà Thảo phải nộp 32,6 tỷ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn 47,4 tỷ đồng. Tổng cộng 2 người phải đóng 80 tỷ đồng.

Án phí được quy định cụ thể tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14. Theo đó, với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỷ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản được hưởng vượt 4 tỷ đồng.

Trong vụ án này, khối tài sản chung vợ chồng trị giá 8.229 tỷ. Bà Thảo được sở hữu hơn 3.364 tỷ, ông Vũ có hơn 4.864 tỷ.

Căn cứ vào công thức tính theo luật, số tiền án phí bà Thảo phải đóng tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ là: 112 triệu + 0,1% của (3.364 - 4 tỷ) = khoảng 3,3 tỷ đồng.

Tương tư, án phí ông Vũ phải nộp tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ là: 112 triệu + 0,1% của (4.864 - 4 tỷ) = 4,8 tỷ đồng.

Cấn trừ vào tiền tạm ứng đã đóng trước đó thì tổng số tiền án phí hai người này phải nộp chỉ vào khoảng 8 tỷ đồng. Như vậy, án phí tòa án tuyên buộc các đương sự trong vụ án này nộp gấp 10 lần án phí theo quy định.

3 bất ngờ trong ngày tuyên án vụ ly hôn vợ chồng ông chủ Trung Nguyên - 2
Mức án phí bà Thảo phải đóng theo công bố của tòa là 33 tỷ đồng. Tuy nhiên tính theo công thức thì án phí chỉ khoảng 3,3 tỷ. Ảnh: Lê Quân.

Trao đổi với chúng tôi trong sáng 28/3, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân xác nhận đã đọc nhầm con số án phí. "Do bản án quá dài nên tôi đọc bị nhầm lẫn con số. Bà Thảo chỉ phải nộp án phí tài sản là khoảng 3,3 tỷ đồng, ông Vũ nộp hơn 4,7 tỷ", ông Xuân nói và cho biết bản án phát hành sau 7 ngày sẽ sửa chữa thành con số chính xác.

Thư ký phiên tòa ly hôn ông Vũ và bà Thảo cho biết thêm: “Bản án tuyên tại phiên tòa là như vậy. Còn sau đó nếu có sai sót gì do tính toán hoặc lỗi đánh máy thì sẽ sửa chữa, bổ sung. Bản án thuộc về HĐXX”, người này nói.

Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)