Trước tháng 8.2012, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) vẫn đang được giao dịch quanh vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó không lâu, thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, thường được người hâm mộ bóng đá Việt Nam gọi với cái tên bầu Kiên bị bắt đã khiến không ít tài sản của cổ đông cũng như cả ngân hàng này bốc hơi ngay sau đó.
Cổ phiếu ACB mất hơn 45% giá trị trong vòng 3 tháng tiếp theo. Từng có thời điểm, ACB chỉ giao dịch ở mức giá 11.600 đồng/cổ phiếu. Dù có sự hồi phục trong năm 2013, 2014, song ACB chỉ giao dịch quanh vùng giá từ 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu.
Song trải qua thời gian, Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) đã dần hoạt động ổn định trở lại. Hoạt động cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được xử lý khá tốt. Các chỉ số an toàn đã được đáp ứng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2016 mà Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 1.946 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần tăng 17% lên 6.891 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh doanh đều có chiều hướng đi lên. Cụ thể, hoạt động dịch vụ lãi 283,7 tỷ, tăng 35%; hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 79,6 tỷ đồng, tăng 23%; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 74,5 tỷ, gấp 14 lần cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động trong kỳ tăng mạnh 62,5% lên 1.188 tỷ đồng. Song nhờ thu nhập từ hoạt động kinh doanh khá tốt nên sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần vẫn gấp 3,7 lần cùng kỳ, đạt 1.077,6 tỷ đồng.
Sau khi trích lập 654,9 tỷ cho dự phòng rủi ro tín dụng - gấp 10 lần so với cùng kỳ; kết thúc quý IV, tổng lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 422,7 tỷ đồng, tăng 89%. Lũy kế cả năm 2016, ACB ghi nhận 1.667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 26,8%. Sau thuế, ngân hàng đạt 1.325 tỷ đồng, tăng gần 29% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 1,31% xuống còn 0,87%.
Dự kiến, đến cuối năm 2017, tổng tài sản của ACB tăng 18%, lượng tiền gửi tăng 17%, tín dụng tăng 20%. Ngân hàng ước lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 59% so với 2016.
ACB đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm với tỉ lệ phần trăm ở mức hai con số, trong khi tỷ lệ nợ N3 - 5 hợp nhất cuối năm đang được kiểm soát ở mức 0,72%.
Mới đây, ACB đã được chọn là một trong sáu ngân hàng thí điểm để phối hợp với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý nợ xấu triệt để.
Không chỉ dần lấy lại vị thế của mình trong ngành ngân hàng, giá trị giao dịch của cổ phiếu ACB cũng liên tục những bước đột phá trong hơn 1 năm qua.
Giá của ACB đã tăng lên gấp hơn 2 lần. Kết thúc năm 2016, ACB giao dịch ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu. Và mã cổ phiếu này đã đạt 36.900 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017.
Bước sang năm 2018, cùng với đợt sóng ngành ngân hàng, ACB vẫn duy trì được đà tăng trưởng của mình. Kết thúc phiên giao dịch chiều 25.1, ACB giao dịch ở mức 41.800 đồng/cổ phiếu, tăng 7,73% so với phiên giao dịch đầu năm 2018. Khối lượng giao dịch cũng ở mức 5.087.368 cổ phiếu mỗi phiên.
Về phía bầu Kiên, dù đang trong thời gian chấp hành án tù, nhưng với việc sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu ACB, bầu Kiên đang nắm hơn 1.300 tỷ đồng là tài sản cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
So với thời điểm cuối năm 2016, tài sản cổ phiếu của bầu Kiên đã tăng thêm gần 764 tỷ đồng.
Cách đây khoảng 1 tháng, nhóm cổ đông liên quan bà Đặng Ngọc Lan – vợ bầu Kiên đã đăng ký thoái 2,46% vốn trong tổng sở hữu 15,96% cổ phần tại Vietbank. Trong đó, cá nhân bầu Kiên chuyển nhượng thoả thuận hơn 4 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ nắm giữ tại ngân hàng này xuống còn 3,32%.
Theo Hoàng Nhật (Dân Việt)