Ông Phùng Thế Huân - người đại diện theo uỷ quyền của bà Đặng Ngọc Lan (vợ “Bầu” Kiên) vừa có văn bản gửi Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị xem xét việc áp dụng pháp luật về uỷ thác thi hành án trong vụ việc thu hồi tài sản của ông Nguyễn Đức Kiên - cựu Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB.
Có 3 tài sản nhà đất ở TPHCM của “Bầu” Kiên bị kê biên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ nộp số tiền trên, gồm: Nhà, đất số 5 Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận; nhà, đất số 22 Hoàng Dư Khương, Phường 12, Quận 10; nhà, đất số 78/6 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh.
Để thi hành án, ngày 25/9/2015, Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội đã uỷ thác cho Chi cục thi hành án dân sự Quận 10 (TPHCM) tổ chức thực hiện việc thi hành án.
Bà Đặng Ngọc Lan và ông Nguyễn Đức Kiên ("Bầu" Kiên) tại một phiên toà. |
Thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng
Dẫn ra qu định tại Khoản 2, Điều 55 Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 62/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 55 luật này, ông Phùng Thế Huân khẳng định: Đối với trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều địa phương thì pháp luật quy định phải uỷ thác đến nơi tài sản có giá trị lớn nhất. Nếu chưa xác định được giá trị tài sản thi hành án thì phải tiến hành xác định giá trị tài sản để làm căn cứ cho việc uỷ thác.
Trường hợp thi hành án liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên thuộc trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều địa phương.
Theo kết quả thẩm định giá tài sản do chính Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 thực hiện thì tài sản tại Quận 10 có giá trị 29,1 tỷ; tài sản tại Quận Phú Nhuận có giá trị 29,7 tỷ và tài sản tại Quận Bình Thạnh có giá trị 42,6 tỷ (làm tròn).
Như vậy, trong ba tài sản nêu trên, tài sản ở Quận Bình Thạnh có giá trị lớn nhất và tài sản ở Quận 10 có giá trị nhỏ nhất.
“Căn cứ theo quy định pháp luật về uỷ thác thi hành án thì Chi cục THADS Quận 10 không có thẩm quyền tiếp nhận uỷ thác thi hành án, mà thẩm quyền thuộc về Chi cục Thi hành án dân sự Quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, thực tế Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 đã tiếp nhận uỷ thác của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội và sau đó đã tổ chức thực hiện thi hành án. Việc Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 tiếp nhận uỷ thác thi hành án là trái pháp luật, vì không đúng thẩm quyền luật định”- ông Huân nhấn mạnh.
Trong văn bản gửi tới cơ quan chức năng, ông Huân cho rằng, mặc dù bà Đặng Ngọc Lan không phải là người phải thi hành án nhưng đã bị mất tài sản trái pháp luật; phần sở hữu, sử dụng của bà Lan trong khối tài sản chung với “Bầu” Kiên không được xác định rõ.
Bà Đặng Ngọc Lan không có cơ hội thực hiện quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Điều này đã gây ra thiệt ước tính hàng chục tỷ đồng.
Đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện uỷ thác tư pháp
Như Dân trí đã liên tục phản ánh, ngày 1/12/2016, VKSND Tối cao đã có công văn chỉ đạo xử lý kết quả kiểm sát hồ sơ thi hành án bản án số 570/2014/HSPT và yêu cầu VKSND TPHCM “xem xét, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm, ban hành kháng nghị (nếu còn thời hạn) hoặc kiến nghị yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự huỷ bỏ kết quả bán đấu giá tài sản, tổ chức lại việc thi hành án đúng quy định pháp luật”.
Đến ngày 14/12/2016, VKSND TPHCM có Kiến nghị số 06/KSTHADS - KN, nêu rõ Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 “tiếp nhận uỷ thác, ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án chưa đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP” và kiến nghị cơ quan này “khắc phục các thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc”.
Lùm xùm trong thi hành án, đấu giá tại sản tại số 5 Hồ Biểu Chánh vẫn chưa đến hồi kết. |
Sau đó, đại diện Bộ Tư pháp trả lời báo chí rằng tại thời điểm Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 tiếp nhận uỷ thác chưa có căn cứ để xác định tài sản nào có giá trị lớn nhất, chưa có quy định buộc cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thủ tục thẩm định giá trước khi nhận uỷ thác. Thực tiễn thi hành án việc xác định tài sản có giá trị lớn nhất chỉ mang tính tương đối nên việc Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 tiếp nhận uỷ thác là có căn cứ và phù hợp quy định pháp luật.
Không đồng tình, ông Phùng Thế Huân khẳng định, nếu khi tiếp nhận uỷ thác chưa xác định được giá trị các tài sản thi hành án thì phải từ chối tiếp nhận uỷ thác, vì chưa có căn cứ và phải yêu cầu Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội (nơi uỷ thác) xác định giá trị các tài sản trước để làm cơ sở xem xét tiếp nhận.
Trong trường hợp đã tiếp nhận uỷ thác, nhưng khi phát hiện ra mình không có thẩm quyền thì Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 phải trả lại quyết định uỷ thác theo quy định tại Khoản 2, Điều 57 Luật Thi hành án dân sự.
Mặc dù Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 là nơi thực hiện việc thẩm định giá tài sản và biết rõ trên địa bàn Quận 10 là nơi tài sản của “Bầu” Kiên có giá trị nhỏ nhất, nhưng vẫn cố tình tiếp nhận, ra quyết định thi hành án.
Vị đại diện của vợ “Bầu” Kiên đánh giá việc làm của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10 đã phủ nhận các quy định của Luật Thi hành án dân sự do Quốc hội ban hành.
Từ đó, vị này đề nghị Quốc hội có văn bản giải thích rõ quy định về uỷ thác thi hành án tại Điều 55, Điều 57 Luật thi hành án dân sự. Đồng thời giám sát Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục thi hành án dân sự TPHCM và Chi cục thi hành án dân sự Quận 10 trong việc thực hiện quy định của pháp luật về uỷ thác thi hành án trong vụ án Nguyễn Đức Kiên đang thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận suốt thời gian qua.
Trước đó (ngày 7/8), trả lời PV, một lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết đã hoãn công bố kết luận thanh tra, xác minh lùm xùm đấu giá nhà đất rộng 360m2 tại số 5 Hồ Biểu Chánh, TPHCM của “Bầu” Kiên vì có “đơn thư” của người đại diện pháp luật của bà Đặng Ngọc Lan.
“Chúng tôi làm việc rất thận trọng, quan điểm là rất minh bạch, rõ ràng, không có chuyện bao che. Đây là sự việc phức tạp, được dư luận báo chí quan tâm, lại là sự việc rất lớn nên phải làm rõ ràng, nghiêm minh”- vị này thông tin.
Theo Thế Kha (Dân Trí)