Con số cụ thể từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, số lượng ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống, do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại Nghệ An là 14.628 xe, xếp vị trí thứ 4; Thanh Hóa 10.963 xe, xếp thứ 6 và Hà Tĩnh 8.262 xe, xếp thứ 8.
Thậm chí người dân ba tỉnh này còn mua ô tô nhiều hơn cả một số tỉnh, thành nằm trong top 10 địa phương giàu nhất như: Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng. Năm 2021, người dân Quảng Ninh mua 7.801 xe, xếp vị trí thứ 9; Bà Rịa -Vũng Tàu mua 6.115 xe, xếp vị trí thứ 16; Đà Nẵng mua 5.132 xe, xếp vị trí thứ 18.
Vay tiền mua ô tô?
Cách đây không lâu, câu chuyện người dân thôn Hoàng Lạp, xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vốn được xem là nghèo nhất xã, nhưng ô tô đậu chật đường làng, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Cả thôn có 350 hộ nhưng đãc có 60 chiếc xe ô tô, từ nghèo nhất bỗng chốc trở thành giàu nhất xã. Trong số những người dân thôn Hoàng Lạp đi ra các tỉnh ngoài làm ăn, có người phất lên, quay về đầu tư nhà cửa, mua sắm xe cộ, làm cho bộ mặt làng quê thay đổi.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Nguyên chủ tịch xã Đông Phú cho biết, để sở hữu ô tô, nhiều người thôn Hoàng Lạp đã phải vay tiền ngân hàng, thậm chí vay nóng để mua. Đáng nói, có những gia đình mua xe ô tô về trùm mền, lâu lâu mới đem ra nổ máy cho đỡ bị hư hoặc lấy xe đi chợ, đi uống cà phê cách nhà mấy trăm mét.
Thậm chí, do “con gà tức nhau tiếng gáy”, có gia đình chỉ quanh quẩn trong thôn làng, không đi làm ăn xa, nhưng thấy bà con làng xóm mua xe, cũng mua một "con" chạy, vì người ta có mà mình không có thì thấy... khó chịu. Thế là có khoản tiền tiết kiệm gần 400 triệu đồng, rút ra rồi vay thêm gần 200 triệu nữa mua “con” Hyundai Accent. Rất nhiều người ở thôn Hoàng Lạp sở hữu ô tô theo cách như vậy.
Với Nghệ An, Tết Nhâm dần vừa qua nhiều người dân vẫn phải nhận gạo cứu đói từ Chính phủ. Cụ thể, trong hơn 11.448 tấn gạo cứu đói Chính phủ xuất kho cho 7 tỉnh thành, thì Nghệ An chiếm 1.140 tấn, đứng thứ hai sau tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, Nghệ An lại đứng top 4 các tỉnh dẫn đầu về mua ô tô năm 2021, hơn cả tỉnh giàu là Bình Dương.
Từ năm 2017, ở TP. Vinh, vào giờ cao điểm tại các ngã ba, ngã tư thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do lượng ô tô quá lớn, trong khi hạ tầng giao thông không bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của phương tiện. Bên cạnh các mẫu xe phổ thông, thì số lượng xe sang, xe siêu sang xuất hiện trên đường phố ở Vinh ngày càng nhiều.
Ngoài Vinh, ở nhiều huyện thị khác trong tỉnh Nghệ An, phong trào mua ô tô cũng ngày càng lan rộng. Những năm qua, nhiều người Nghệ An đi làm ăn ở các địa phương khác, đi xuất khẩu lao động... có tiền gửi về xây nhà lầu, mua ô tô đã làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng, cũng có không ít người vay tiền mua xe, để không thua kém anh em làng xóm.
Anh Trần Xuân Kiên, ở Cửa Lò, kể rằng, anh đi làm ăn xa tại Nam Định, thỉnh thoảng lại nghe bố mẹ kể người này, người kia mua ô tô, khiến anh không khỏi xuýt xoa. Nhưng gọi về chúc mừng toàn nghe nói phải vay lãi để mua thì cũng thấy ngán.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, từ ngày 1/12/2021 (thời điểm được giảm 50% phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước) đến ngày 26/1/2022, số xe ô tô đăng ký mới là 5.294 chiếc. Dự báo năm 2022, Nghệ An tiếp tục trong top dẫn đầu mua ô tô trên cả nước.
Còn Hà Tĩnh, hiện được coi là thị trường ô tô mới nổi của cả nước, bởi tốc độ tăng trưởng cao từ 40-50%/năm trong hai năm vừa qua. Ngoài những người đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, gần đây có nhiều dự án đầu tư vào Hà Tĩnh, giá đất ở nhiều huyện đang “sốt”. Vì vậy, nhiều gia đình bán đất có tiền nên mua ô tô. Bên cạnh đó, cũng kéo theo sự “khó chịu” của người khác và có người lại đi vay tiền “ném” vào ô tô.
Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tháng 2/2022, dù có một tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng doanh thu bán xe ô tô con đạt hơn 307 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng Chi cục Thuế khu vực thành phố Hà Tĩnh - Cẩm Xuyên cho biết, 2 tháng đầu năm nay, đã thu lệ phí trước bạ 760 xe con, tăng gần 74% so với cùng kỳ năm 2021.
Đại lý ô tô Toyota Phú Tài Đức tại Hà Tĩnh, tháng 2/2022, đã ký hợp đồng bán khoảng 200 xe các loại, doanh số tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Năm ngoái, đại lý này cũng bán được hơn 1.000 xe Toyota cho người dân Hà Tĩnh, một con số mơ ước đối với nhiều đại lý tại các thành phố lớn.
Giấc mơ “xế hộp”
Theo thống kê, mặt hàng chịu gánh nặng thuế, phí nhất hiện nay chính là ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ô tô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Hơn nữa, ba loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30-50% trong giá bán, tùy từng mẫu xe.
Theo tính toán, một chiếc xe ô tô lắp ráp tại Việt Nam có giá xuất xưởng 500 triệu đồng, đã được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%, chỉ phải chịu 40% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế giá trị gia tăng. Hai khoản này đã lên tới 270 triệu đồng. Ngoài ra, người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10-12%, tính trên giá bán tùy từng địa phương, chưa kể những phí khác.
Tính ra, giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn nữa nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... Với những tỉnh giàu, thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/người/năm, vẫn còn xa tầm với, phải nhịn ăn tiêu khoảng 4 năm mới đủ tiền mua chiếc xe 500 triệu đồng thì tỉnh nghèo thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/người/năm, so ra lại mê xe hơn hẳn.
Một số ý kiến cho rằng, làm giàu để nâng cao đời sống là điều đáng mừng. Nhưng vay tiền để mua ô tô cho “có” với người ta, coi chừng sẽ trở thành "nghèo bền vững".
Theo Trần Thủy (VietNamNet)