Đại học Harvard 'thu tiền' từ đâu mà giàu hơn 120 nền kinh tế thế giới?

27/12/2023 17:49:11

Đại học Harvard không chỉ nằm trong số những tổ chức giáo dục đại học uy tín nhất của Mỹ, mà còn là trường rất giàu.

Đại học Harvard 'thu tiền' từ đâu mà giàu hơn 120 nền kinh tế thế giới?

Trường đại học giàu nhất

Theo báo cáo tài chính gần đây nhất từ Đại học Harvard (trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ), quy mô quỹ của họ trong năm tài chính 2023 ở mức 50,7 tỉ USD, nhiều hơn GDP của hơn 120 quốc gia và tiếp tục là trường giàu nhất trong số các trường đại học Mỹ.

Trước đó, năm 2022, quy mô quỹ này là 50,9 tỉ USD và năm 2021 là 53,2 tỉ USD, theo Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia.

Năm 2020, quy mô của trường đại học Harvard là 42 tỷ USD. Theo số liệu cuối năm 2019, đại học Harvard có quỹ đầu tư khổng lồ 40,9 tỷ USD

Cũng như nhiều trường đại học khác, Harvard xây dựng quỹ tín thác của mình thông qua hai con đường: quyên góp và lãi đầu tư. Từ các nguồn này, trường chi cho các hoạt động và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Nguồn thu của họ từ: kêu gọi tài trợ, thu học phí của người giàu, và quan trọng nhất là đầu tư.

Harvard còn có Harvard Business Publishing, cơ quan chủ quản của tạp chí kinh doanh Harvard Business Review. Tạp chí này kiếm tiền bằng cách tung ra hàng loạt những nghiên cứu chuyên sâu thú vị từ cách kiếm tiền của Lady Gaga hay chuyện kinh doanh của Manchester United.

Harvard còn kiếm tiền từ cho thuê bản quyền nghiên cứu với các công ty. Ngoài ra, trường còn thực hiện nhiều khoản đầu tư sinh lời thông qua công ty Harvard Management Company vào các lĩnh vực như: Cổ phiếu, tài sản có thu nhập cố định, bất động sản.

Lần đầu trong lịch sử gần 400 năm có một người da màu lãnh đạo

Đại học Harvard vừa làm nên lịch sử sau 400 năm, khi bà Claudine Gay trở thành người da màu đầu tiên, và là người phụ nữ thứ hai, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thứ 30 của trường.

Bà Claudine Gay cũng là người phụ nữ thứ hai, sau bà Drew Gilpin Faust, nắm giữ vị trí này tại Đại học Harvard.

Bà là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, Viện Chính sách công California, Trung tâm Nghiên cứu cao cấp về Khoa học hành vi và Viện Nghiên cứu cao cấp Radcliffe tại Harvard.

Bà làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Pew, Phillips Exeter Academy và Học viện Khoa học chính trị và xã hội Mỹ; Thành viên ban cố vấn của Hiệp hội Viện Đại học Mỹ về bình đẳng chủng tộc trong giáo dục đại học.

Chủ tịch sáng lập Sáng kiến bất bình đẳng ở Mỹ của trường Harvard, chuyên nghiên cứu tác động của tình trạng đói nghèo ở trẻ em; sự bất bình đẳng trong giáo dục STEM; việc nhập cư và di động xã hội; quản trị dân chủ và bất bình đẳng ở Mỹ.

Theo Đỗ Hợp - Linh Anh (Tiền Phong)