Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản xác nhận Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Văn Quang bà Chu Thị Bình.
Theo đó, Thủy sản Minh Phú sẽ chào bán số cổ phần nói trên và báo cáo UBCKNN trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn thành đợt chào bán.
Theo nghị quyết trước đó của Thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp này sẽ phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phiếu và ngay sau đó sẽ vốn điều lệ lên 2.157,2 tỷ đồng, từ mức 1,4 ngàn tỷ đồng như hiện tại.
Đối tượng chào bán là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Theo kế hoạch, MPC của ông Lê Văn Quang sẽ sử dụng khoảng 1,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 45% tổng số tiền thu được) để nâng cao năng lực tài chính và số còn lại, khoảng 2 ngàn tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, theo kế hoạch, tổng số tiền Thủy sản Minh Phú thu về dự kiến khoảng 3,7 ngàn tỷ đồng, tương ứng mức giá bán khoảng 48.900 đồng/cp. Cổ phiếu MPC hiện đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM với giá 46.000 đồng/cp.
Trong nhiều năm vừa qua, ông Lê Văn Quang đã dùng đủ mọi cách, trong đó có cả việc hủy niêm yết cổ phiếu MPC trên sàn HOSE để đáp ứng yêu cầu của đối tác ngoại với mục tiêu nhằm mở rộng quy mô doanh nghiệp, mở rộng thị trường hướng tới giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD, nhưng vẫn chưa thành công.
Trong đợt bán vốn lần này, MPC vẫn chưa công khai các NĐT tham gia, ngoại trừ Mitsui của Nhật được công bố tại ĐHCĐ hồi đầu năm. Được biết, trong cuộc đua mua cổ phần của doanh nghiệp tôm số 1 Việt Nam có nhiều NĐT đến từ Nhật, Mỹ và Hàn, trong đó có 3 cái tên từ Nhật là: Mitsui, Hanwa và Royal Holdings.
Cũng trong đại hội, MPC dự tính chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ rất cao: 50-70%, dựa trên lợi nhuận ước tính sau thuế năm 2018 là 1.030 tỷ đồng. MPC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2.300 tỷ đồng trong năm 2019.
Trong năm 2018 vừa qua, hàng loạt các doanh nghiệp lớn Việt cũng đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài thu về hàng tỷ USD như là một cách để mở rộng quy mô và tạo ra một bước ngoặt phát triển.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh là đơn vị đầu tiên khởi trong năm 2018 bán hơn 164 triệu cổ phần thu về hơn 900 triệu USD. Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng đã thu về 1,35 tỷ USD vốn ngoại và tạo ra sự bứt phá cho đơn vị quản lý mảng bất động sản của Vingroup.
Chính Vingroup trong năm 2018 cũng đã thu về 400 triệu USD từ phát hành cổ phần ưu đãi (giá gần 111 ngàn đồng/cp) cho Công ty quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc.
Các đại gia như Masan, BIDV, PAN Group, Yeah1,... cũng phát hành cổ phiếu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo M. Hà (VietNamNet)