Chơi vụ 5.000 tỷ: Lộ diện ông lớn chống lưng đại gia miền Tây

23/01/2019 13:58:41

Doanh nghiệp của cặp vợ chồng đại gia thủy sản miền Tây Chu Thị Bình - Lê Văn Quang sắp có thương vụ trị giá khoảng 5 ngàn tỷ đồng nhằm thực hiện tham vọng đặt ra từ nửa thập kỷ trước nhưng bất thành.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của Chủ tịch Lê Văn Quang vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 29/1/2019 sắp tới với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung chia cổ tức tỷ lệ cao, kế hoạch kinh doanh và danh sách nhà đầu tư dự kiến chào bán cổ phần riêng lẻ.

Một điểm thu hút sự chú ý của các cổ đông và giới đầu tư: ai sẽ trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Thủy sản Minh Phú? Điều này sẽ được quyết định trong đại hội cổ đông 2019. Nhiều năm vừa qua, ông Lê Văn Quang đã dùng đủ mọi cách, trong đó có cả việc hủy niêm yết cổ phiếu MPC trên sàn HOSE để đáp ứng yêu cầu của đối tác ngoại với mục tiêu nhằm mở rộng quy mô doanh nghiệp, mở rộng thị trường hướng tới giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD, nhưng vẫn chưa thành công.

Ba cái tên ngoại được MPC nhắc đến lần này là: Mitsui, Hanwa và Royal Holdings, đều đến từ Nhật Bản. 

Chơi vụ 5.000 tỷ: Lộ diện ông lớn chống lưng đại gia miền Tây
Ba cái tên ngoại được MPC nhắc đến lần này đều đến từ Nhật Bản.

Trước đó, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường cuối 2018 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phần và ủy quyền cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) lựa chọn, thông qua danh sách nhà đầu tư, các đối tác mời tham gia mua cổ phần và số lượng cổ phần được mua tương ứng.

Với mức giá khoảng 45.000 đồng/cp hiện tại, số cổ phiếu trên trị giá khoảng 3,4 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong một chia sẻ gần đây, ông Lê Văn Quang cho biết thương vụ chào bán này giá trị khoảng 230-250 triệu USD (tương đương khoảng 5,3-5,8 ngàn tỷ đồng). 

HĐQT của MPC cũng xin ý kiến về việc miễn chào mua công khai cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư được quyền nhận chuyển nhượng cổ phần trong một lần hoặc nhiều lần dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên.

Cũng trong đại hội, MPC dự  tính chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ rất cao: 50-70%, dựa trên lợi nhuận ước tính sau thuế năm 2018 là 1.030 tỷ đồng. MPC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp  nhất trước thuế 2.300 tỷ đồng trong  năm 2019.

Chơi vụ 5.000 tỷ: Lộ diện ông lớn chống lưng đại gia miền Tây - 1
Doanh nghiệp của ông Lê Văn Quang, bà Chu Thị Bình.

Trong năm 2018 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn Việt đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu về hàng tỷ USD như là một cách để mở rộng quy mô và tạo ra một bước ngoặt phát triển.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh là đơn vị đầu tiên khởi trong năm 2018 bán hơn 164 triệu cổ phần thu về hơn 900 triệu USD. Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng đã thu về 1,35 tỷ USD vốn ngoại và tạo ra sự bứt phá cho đơn vị quản lý mảng bất động sản của Vingroup.

Chính Vingroup trong năm 2018 cũng thu về 400 triệu USD từ phát hành cổ phần ưu đãi (giá gần 111 ngàn đồng/cp) cho Công ty quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc.

Các đại gia như Masan, BIDV, PAN Group, Yeah1,... đã phát hành cổ phiếu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp, VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 910 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán chốt lời khá mạnh do vậy không còn hỗ trợ được thị trường. Chỉ có cổ phiếu Eximbank tăng khá sau khi được đưa vào danh sách VN30, nhóm 30 cổ phiếu lớn và có tính thanh khoản hàng đầu trên TTCK.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. Thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể hoạt động tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30. Bên cạnh đó, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, dệt may, thủy sản, thủy điện vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền khi nhóm này điều chỉnh trong các phiên tới. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading đối với các vị thế ngắn hạn trong những tuần cận Tết. Tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 30-35% cổ phiếu.

KIS nhận định, thị trường trường rung lắc khi VN-Index tiếp cận đường xu hướng giảm, quanh 915 điểm. Rủi ro điều chỉnh vẫn còn ở mức cao trong khung thời gian lớn. Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng và có thể cân nhắc giảm dần tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục nếu VN-Index không vượt được đường này.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/1, VN-Index giảm 4,5 điểm xuống 906,55 điểm; HNX-Index giảm 0,83 điểm xuống 102,54 điểm. Upcom-Index tăng 0,49 điểm lên 53,86 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,2 ngàn tỷ đồng.

Theo H. Tú (VietNamNet)

Nổi bật