Đại gia ô tô: 'Với sự tự trọng, tôi không xin ưu đãi'
Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc đối thoại với các DN liên quan đến việc thực hiện nghị định số 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và thông tư 03 của Bộ GTVT quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu.
Sợ thủ tục, DN không dám nhập ô tô ngoại
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc công ty Toyota Việt Nam Toru Kinoshita bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của VAMA rằng nghị định 116 có một số quy định ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA.
“Hậu quả là hầu như không có chiếc xe nào được nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/1/2018 đến nay”, ông Kinoshita nói.
4 quy định khiến VAMA lo ngại là những quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu; biện pháp xử lý đối với những đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu xảy ra trước khi ban hành nghị định 116 và quy định mới về đường chạy thử ô tô dành cho các nhà sản xuất trong nước.
Theo ông Kinoshi, các quy định này làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng, tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất, giữa DN sản xuất trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nói về khó khăn khi thực hiện quy định mới về nộp giấy chứng nhận an toàn đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink băn khoăn: “Tôi không biết Bộ TN&MT có thẩm quyền để tạo ra giấy chứng nhận này hay không”.
Ông cũng cho rằng, yêu cầu kiểm tra khí thải an toàn đối với từng lô hàng ô tô nhập khẩu rất không rõ ràng. “Chúng tôi muốn các quy định của Chính phủ phải rõ ràng hơn, thống nhất hơn, để những nhà xuất khẩu biết được các cách thức mà họ nên thực hiện”, Đại sứ nói và mong tạm hoãn nghị định 116.
Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Ford Việt Nam kể về việc đang gặp rắc rối với gần 100 xe đã đặt hàng từ Mỹ nhưng không dám nhập về Việt Nam vì vướng các nghị định 116.
“Số xe này đang nằm ở 1 cảng của Mỹ, chúng tôi phải chi hơn 1.000 USD/ngày cho tiền kho bãi và chất lượng xe ngày càng giảm”, ông Dũng cho hay và đề nghị Chính phủ cho Ford Việt Nam nhập lô xe này về theo quy định trước nghị định 116, không phải thử nghiệm theo lô.
Ông Dũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc này để không tạo khác biệt với quốc tế, không gây lãng phí không cần thiết cho DN: “Làm kinh doanh làm sao để tập trung vào công việc chính là cải tiến sản phẩm phục vụ người tiêu dùng thay vì ngồi phập phồng lo thủ tục hành chính”.
Chúng tôi không xin sự bảo hộ
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT công ty Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng, nghị định 116 ra đời để đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng, sữa chữa ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện. Việc này nhằm bảo đảm điều kiện về môi trường; điều kiện cho người tiêu dùng; an toàn giao thông; bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các DN.
Theo ông, yêu cầu bản sao giấy chứng nhận kiểu loại không chỉ đòi hỏi riêng cho xe nhập khẩu mà cả xe sản xuất trong nước cũng phải xuất trình giấy này.
“Thực hiện quy định này không có khó khăn gì”, ông Dương khẳng định và cho biết, ở châu Âu cũng có quy định này và có những yêu cầu cả 100-200 trang.
“Tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu”, ông Dương phân tích.
“Không nên bác bỏ giấy này mà cần tiến hành nhanh để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại, để có được bộ chứng nhận kiểu loại của Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT công ty Trường Hải nói.
Nói về việc từ đầu năm chưa nhập được chiếc xe nào, ông Dương khẳng định sẽ cố gắng sản xuất nhiều hơn, làm nhiều hơn để bù vào thiếu hụt ở thị trường. Nếu tổ chức làm nhanh thì trong tháng 4 có thể nhập khẩu được xe về.
“Chúng tôi không xin sự bảo hộ, không xin sự ưu đãi nhưng chúng tôi xin đúng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô mà Thủ tướng đã được phê duyệt 2 lần. Hiện nay chúng ta vẫn phải duy trì, ủng hộ sản xuất trong nước hợp lý”.
“Với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi, và nghị định 116 cũng không dành ưu đãi gì cho DN trong nước”, ông Dương khẳng định và dẫn chứng chính DN mình cũng phải có giấy chứng nhận từ nhà sản xuất nước ngoài, thậm chí đăng kiểm phải đi cùng sang nhà máy sản xuất ở các nước để kiểm tra, tới khi nhập thì phải kiểm tra từng lô xe mà không dưới 2.000-3.000 xe.
Chủ tịch Trường Hải cũng lưu ý các DN tránh ngộ nhận nghị định 116 ủng hộ sản xuất xe trong nước và việc tạm hoãn thực hiện văn bản này sẽ phủ nhận nỗ lực của các DN khác nhằm đáp ứng yêu cầu của nghị định.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)