Chính phủ sẽ giải quyết 'thấu tình đạt lý' những kiến nghị về Nghị định 116

26/02/2018 14:49:33

Sau khi lắng nghe những ý kiến liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03, Chính phủ sẽ tiếp thu và đưa ra giải pháp sớm nhất trên tinh thần "thấu tình đạt lý".

Chính phủ sẽ giải quyết 'thấu tình đạt lý' những kiến nghị về Nghị định 116
Ảnh minh họa.

Ngày 26/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định số 116/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng Nghị định 116. 

Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, cùng đại sứ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đại diện hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cuộc họp này làm sao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu của năm 2018. Vừa qua, có các kiến nghị, đề xuất của các đại sứ, doanh nghiệp liên quan đến Nghị định 116 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

"Với tinh thần Chính phủ hành động, kiến tạo, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ sẽ giải quyết sao cho thấu tình đạt lý, đồng thời cũng đảm bảo các yêu cầu", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định. 

Theo ông Dũng, Việt Nam là nước đang phát triển với chủ trương thống nhất là hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế, tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có bước đi của mình. Do vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu ô tô xuất khẩu sang Việt Nam, Việt Nam cũng cần đảm bảo nền sản xuất tự chủ. 

"Không đặt vấn đề Việt Nam trở thành thị trường ô tô của các hãng, của các nước, nhưng cũng cần có sự lựa chọn. Mặt khác, Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đa số sản xuất trong nước để doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp xuất khẩu sang Việt Nam được bảo đảm", Bộ trưởng Dũng nói. 

Vì vậy, "chúng tôi thấy cần phải lắng nghe thấu đáo hơn trước khi các Bộ tham mưu, Chính phủ quyết định về Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: “Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, lắng nghe và đề xuất với Thủ tướng trên nguyên tắc thông lệ quốc tế và chính sách của Việt Nam. Ngay cả vấn đề kiểm tra xe để giảm nhanh chi phí thông quan, áp dụng các hình thức kiểm tra hay vấn đề quản lý rủi ro… để thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp xuất khẩu sang Việt Nam nhưng cũng đảm bảo được vấn đề an toàn tuyệt đối như bảo đảm an toàn giao thông, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng sẽ có tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trước khi có thay đổi quyết định trong văn bản đã nêu”.

Đặt vấn đề Giấy chứng nhận chủng loại xe, theo Bộ trưởng Dũng, khi tiếp xúc các đại sứ thì mỗi khu vực, quốc gia có quy định thủ tục riêng. Về đường thử, quy định của các cơ sở sản xuất là bắt buộc nhưng với cơ sở bảo dưỡng thế nào, khâu kiểm tra xe để giảm thời gian, chi phí thông quan, áp dụng các quy định kiển tra thế nào… đều cần xem xét để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu xe vào Việt Nam nhưng cũng phải đảm bảo được việc kiểm soát an toàn tuyệt đối cho người sử dụng xe tại Việt Nam. 

"Số phận" Nghị định 116 sẽ được quyết định vào cuối tuần này

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ ghi nhận và tiếp thu 16 ý kiến (14 của các đại sứ, hiệp hội, doanh nghiệp) và 2 ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải. Đây là cơ hội quan trọng để làm rõ hơn Nghị định 116, làm rõ hơn yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp và hiệp hội để báo cáo Thủ tướng cách thức giải quyết cụ thể. 

"Nói vậy có nghĩa không hẳn không đặt vấn đề sửa Nghị định nhưng trước hết cũng đề nghị việc ban hành Nghị định là tiến bộ rất lớn, rất công phu, có lắng nghe ý kiến của các đối tượng, ngành hàng, của đối tượng tác động chính sách, cũng là tiến bộ rất lớn của một nước từ chỗ chưa sản xuất được ô tô nay đã làm được ô tô trong nước", Bộ trưởng Dũng nói. 

Chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước tạo cơ chế chính sách tốt hơn để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào sản xuất ô tô chất lượng cao của Việt Nam. Chính phủ rất quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ để có tính cạnh tranh cao hơn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. 

Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ điểm lại có những kiến nghị về Nghị định 116 như Giấy Chứng nhận kiểu loại, Thử nghiệm sản phẩm theo từng lô, tờ khai hải quan giới hạn mức 100 tỷ, chính sách thuế...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, sẽ không có kết luận tại đây mà tiếp thu nghiêm túc và đưa ra giải pháp sớm nhất trong cuối tuần này hoặc đầu tuần sau để xem xét từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03. 

"Tinh thần là một Chính phủ hành động, phục vụ và sáng tạo. Thủ tướng giải quyết minh bạch các vấn đề chứ không phải nói là để đấy. Việt Nam sẽ phát triển một nền công nghiệp ô tô để từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hoá, thay đổi bằng chính sách thuế chứ không phải chính sách hành chính, rào cản bất hợp lý", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

Theo Thúy Linh (Bizlive.vn)