Bảo dưỡng dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Ảnh: TỬ TRỰC |
Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có quy mô 22 tỉ USD, từng được tỉnh Bình Định đặt kỳ vọng rất lớn và trải thảm đỏ chào đón. Khi đó, theo ước tính, dự án nếu triển khai sẽ đóng góp 40% vào GDP của tỉnh Bình Định, 3%-4% GDP cả nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng tỉnh Bình Định tính toán chưa đủ các khía cạnh lợi, hại. Theo đó, khả năng khai thác dầu thô của Việt Nam mỗi năm khoảng 14-15 triệu tấn. Trong đó, riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã chiếm 6 triệu tấn, sau khi mở rộng sẽ tăng lên đến 8 triệu tấn. Ngoài ra, nếu tính cả dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất dự kiến khoảng 9,6 triệu tấn thì toàn bộ số dầu chúng ta khai thác đã gần đủ.
Còn xét về nhu cầu, ông Mại cho biết mỗi năm Việt Nam cần 15-16 triệu tấn dầu các loại và tăng khoảng 10% mỗi năm. Tính đến năm 2020, dự kiến nhu cầu chỉ cần nhiều nhất là 25 triệu tấn.
“Như vậy, chỉ cần một vài dự án lọc dầu nữa là đủ. Bây giờ, dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cung cấp 2,7 tấn/năm. Cho nên, những dự án lọc dầu vượt qua mức cần thiết đó chủ yếu là nhập dầu thô xuất dầu tinh thì giá trị gia tăng chỉ được 10% thôi” - GS Nguyễn Mại phân tích.
Theo ông Mại, hiệu quả của dự án lọc hóa dầu “tỉ đô” tại Bình Định rõ ràng không cao. Bởi lẽ, ngoài giá trị gia tăng thấp, chỉ với 10% như đã nêu, thì nhà nước cũng không thu được thuế nhập khẩu, xuất khẩu do Chính phủ đã đồng ý cho dự án này ưu đãi 7-8 năm đầu không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cũng không thu được vì không có tiêu thụ…
Mặt khác, nếu so sánh với các ngành công nghiệp khác thì lọc dầu cần rất nhiều đất. Trong khi đó, lọc dầu sử dụng lao động không nhiều hơn bao nhiêu và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại khác. “Với việc gần đây các nhà đầu tư dự án lọc dầu tháo chạy khỏi Việt Nam, tôi cho rằng là tín hiệu mừng hơn lo” - GS Nguyễn Mại nhìn nhận.
Nói rõ hơn về các mối nguy hại khác từ dự án lọc hóa dầu, GS Nguyễn Mại nêu khâu vận chuyển là đáng lưu tâm vì tiềm ẩn hỏa hoạn hoặc các sự cố gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ông đề nghị Chính phủ xem xét các dự án dầu khí mới, các dự án đã hoặc sắp triển khai nên khắt khe trong vấn đề môi trường. Phải có những cam kết đầu tư cho môi trường trên tỉ lệ vốn đầu tư thích ứng, cam kết không gây ra những thảm họa về môi trường. Dự án sau khi đi vào hoạt động phải có thanh tra, kiểm tra, quan trắc về môi trường. Dự án nào đáp ứng phù hợp nhu cầu xăng dầu trong nước và có sản phẩm đầu ra phục vụ được các ngành công nghiệp thì mới ưu tiên phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tương lai của các dự án vô cùng mờ mịt bởi theo dự báo thì xu hướng trên thế giới sẽ không còn khai thác dầu, thay vào đó là chạy điện phục vụ sản xuất công nghiệp. Bởi vậy, nhu cầu về lọc hóa dầu sẽ hạn chế hơn.
Viễn cảnh thừa xăng dầu trong nước Tại Việt Nam, các dự án lọc dầu đang chịu thách thức lớn về việc bao tiêu bởi mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các nhà máy lọc dầu trong nước cao hơn sản phẩm nhập khẩu nên giá bán sản phẩm trong nước sẽ cao hơn. Điều này dẫn tới khả năng các thương nhân đầu mối tìm cách tăng sản lượng nhập khẩu từ những nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để tận dụng lợi thế chênh lệch thuế. Điều này hoàn toàn được phép bởi các quy định hiện hành không bắt buộc thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối phải mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Như vậy, viễn cảnh thừa xăng dầu trong nước là đáng báo động. |
Theo Phương Nhung (Nld.com.vn)