Sáng nay (2/11), bước sang ngày làm việc thứ 9 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu vấn đề về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải còn nhiều bất cập. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải.
"Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải chậm sửa đổi dẫn đến hàng loạt bất cập đang nổi lên. Xe Uber, Grab cho thí điểm đến năm thứ 3, hiện số xe lên tới hơn 50.000 xe, nhưng cơ quan chức năng không nêu quan điểm, chính kiến rõ ràng, mà để địa phương quyết định. Có người thắc mắc sao phải thí điểm Uber, Grab thời gian lâu đến thế? Do thận trọng hay vì lý do gì khác", ông đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Trung Thành thì đặt câu hỏi về việc tại sao nhiều vấn đề, trong đó có những vụ việc như vụ cà phê Xin chào là ví dụ, cứ phải phản ánh lên Thủ tướng thì mới được giải quyết.
"Nếu dư luận báo chí không nêu, liệu các vụ việc có được phát hiện, và còn bao nhiêu vụ chưa được phát hiện? Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp không tự mình xử lý mà phải đợi có yêu cầu từ trên xuống? Tại sao Bộ Nội vụ, các cơ quan phải đợi chỉ đạo của Thủ tướng thì mới thực hiện trách nhiệm kiểm tra của mình? Tại sao sự việc cứ phải đẩy lên Thủ tướng thì mới chuyển được?", ông nói
Tại phiên thảo luận, đề cập tới vụ việc phân bón Thuận Phong, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết "không yên tâm chút nào" bởi “các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố”.
"Nếu không có dấu hiệu tội phạm, cần có bằng chứng, thì nhân dân mới an lòng. Rất nhiều cuộc gọi cho tôi để trao đổi về vụ việc. Tra lại tài liệu tôi có đều đi ngược lại, cơ quan chức năng có vẽ đã tách riêng, chẻ nhỏ từng hành vi, đẩy lui về giới hạn xử phạt hành chính", ông nói.
Thảo luận về vấn đề ngân sách, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng vẫn còn tình trạng thiếu kỷ luật, kỷ cương, “nói không đi đôi với làm” trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cấp.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ, kỷ luật hành chính chưa nghiêm thể hiện ở nhiều lĩnh vực, từ công tác cán bộ, tài chính – ngân sách đến tài nguyên, môi trường... và diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành.
"Đây là “nguyên nhân của nguyên nhân” làm nền hành chính của chúng ta trì trệ và kém hiệu quả. Muốn có một nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm", ông Học nói.
Theo đại biểu, Chính phủ phải có biện pháp, giải pháp quyết liệt, để khi năm 2018 báo cáo về nội dung này, cử tri mong muốn Chính phủ sẽ báo cáo rằng kỷ luật, kỷ cương đã nghiêm. Trong Nghị quyết của QH cần nhấn mạnh và giao nhiệm vụ này cho Chính phủ thực hiện và tăng cường công tác giám sát của QH, vì đây là hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục.
"Trong điều kiện nước ta còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì Chính phủ phải quan tâm nhiều đến giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách là nhiệm vụ quan trọng và cần được ưu tiên. Nhưng bên cạnh phát triển kinh tế, phải giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong bộ máy Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ", ông kiến nghị.
Đại biểu Trần Tuấn Anh (TPHCM) đề cập tới vấn đề mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu, cho thấy xu hướng sính hàng ngoại, hàng nguyên phụ liệu thay thế nhập khẩu chưa nhiều, mà xuất khẩu lại phụ thuộc vào khối FDI.
"Mối liên kết giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, doanh nghiệp FDI nhập nguyên vật liệu từ nước của họ đến 70% linh kiện vật liệu. Năng lực của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế... Giải pháp để khắc phục sự mất cân đối là liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, liên kết giữa các nhà bán lẻ trong chiến lược đi ra khu vực", ông nói.
Theo Phương Dung (Dân Trí)