Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội diễn ra sáng nay (1/11), đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) đánh giá, nông nghiệp, công nghiệp của Việt Nam thua ngay trên sân nhà do công nghệ chưa tốt, năng suất chưa cao, chi phí logistics cao.
Theo ông Nhường, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh doanh, giấy phép con còn làm khó doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp khi các cuộc khảo sát cho thấy nhiều địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.
"Việc doanh nghiệp mỗi năm tiếp 6-7 đoàn kiểm tra, chưa kể thanh tra kiểm tra không chính thức liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, y tế, đo lường… là một thực tế phổ biến. Doanh nghiệp cũng cho rằng các cuộc kiểm tra có trùng lắp, chồng chéo", ông cho biết và nhấn mạnh "Chính phủ ngày càng kiến tạo, đội ngũ thực thi hành ngày càng bạo".
Ông cũng nêu ra sự kiện đại học FPT dự kiến thu học phí sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền ảo Bitcoin và bị Ngân hàng nhà nước “tuýt còi”. Trong khi đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý tiền ảo, tiền điện tử.
“Tôi mong Chính phủ tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan”, ông Nhường kiến nghị.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án của Thủ tướng một cách tốt hơn.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội hôm 25/10, đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) đề xuất Việt Nam sớm luật hóa giao dịch Bitcoin, để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế, và có thể thu thuế.
Ông Phạm Phú Quốc cho biết, thực tế các giao dịch mua bán Bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người Việt Nam có thể thực hiện việc mua bán đồng tiền ảo này và giao dịch chuyển tiền rất nhanh chóng, dễ dàng.
"Hôm nay bỏ ra 4.000 USD mua 1 Bitcoin, ngày mai lên giá 5.000 USD. Như vậy là có sự giao dịch thương mại và có lợi nhuận, vậy thì phải thu thuế. Ngoài ra, có sự phát sinh thương mại giữa người với người trong mối giao dịch liên quan đến đồng tiền này nên chúng ta phải quản lý để đảm bảo quyền tự do thương mại, tự do kinh doanh của người dân, từ đó cho thấy phải hình thành pháp lý để quản lý đồng tiền ảo này”- đại biểu nói.
Ông cũng cho rằng, việc mua bán đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự, cần có chính sách để giám sát và bảo vệ quyền lợi của những người liên quan. Đồng thời, đại biểu dẫn trường hợp Trung Quốc từng tuyên bố không công nhận Bitcoin nhưng sau 2 tháng, giá của tiền ảo này lại tăng nhanh, người dân nước này không mua được ở sàn Trung Quốc thì qua sàn Ấn Độ thôi.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ có chức năng thanh toán, nhưng không cấm việc mua bán, sở hữu dưới dạng tài sản ảo, người dân có thể mua và sở hữu Bitcoin.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu kinh nghiệm tại một số nước (Mỹ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Bitcoin đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm 15/9, và nếu tính từ đầu năm 2017, giá trị đồng tiền thuật toán này đã tăng tới hơn 600%. Xét về danh tiếng và tổng giá trị vốn hóa, Bitcoin vượt trội so với những đồng tiền thuật toán ra đời sau.
Theo Phương Dung (Dân Trí)