Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ kéo dài đến hết sáng 2/11.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 80 đại biểu bấm nút đăng đàn. Các ý kiến trên nghị trường trải rộng nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế, nợ công, thu hút đầu tư nước ngoài, đến buôn lậu, trồng rừng...
"Mua thuốc lá lậu rất dễ"
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, cho rằng tình trạng buôn lậu đang xảy ra “rất sôi động trên biển, đất liền”, gây thiệt hại rất lớn và chưa có thống kê.
Đơn cử về nạn buôn lậu thuốc lá mà bản thân chứng kiến trực tiếp từ chuyến đi thực tế một số tỉnh phía Nam, ông Cương phản ánh, tại khu vực ngã ba thị trấn Châu Đốc (An Giang) xe máy chở thuốc lá lậu đi thành từng nhóm, chạy với tốc độ kinh hoàng.
Để minh chứng, đại biểu Ninh Thuận đem đến nghị trường một gói lớn đựng nhiều bao thuốc lá lậu mua được ở An Giang và bày tỏ lo ngại, trong 3 ngày đi thực tế tại đây, ông không hề thấy bóng dáng của lực lượng chống buôn lậu ở điểm nóng này.
“Tôi không phủ nhận nỗ lực và những kết quả đã đạt được của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế là muốn mua thuốc lá gì cũng có. Nếu lực lượng chức năng không đẩy mạnh chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng”, ông nói.
Ngoài chống buôn lậu, ông Cương băn khoăn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lại đang có hiệu ứng ngược, thực chất là “kích cầu cho thuốc lá lậu”, khi giá thuốc sản xuất trong nước 10.000 đồng một bao thì giá thuốc lá lậu chỉ 4.000 đồng.
Đáp lại phản ánh của ông Sỹ Cương, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - nguyên Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cho rằng, “thực tế đại biểu Cương phản ánh chỉ mang tính nhất thời ở một thời điểm”.
Theo bà, với đặc điểm biên giới dài hơn 120 km, An Giang vào mùa nước nổi nên việc kiểm soát, kiểm tra và chống buôn lậu thuốc giá thời điểm này gặp nhiều khó khăn. “Các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh vẫn đang kiểm soát, kiểm tra ngày đêm”, bà Tuyết nói.
"Từ nóng sang ấm"
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng xin tranh luận lại ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Cương về buôn lậu thuốc lá. Bà Dung cho hay, việc “buôn thuốc lá tuy nóng nhưng đã được xử lý và hiện chỉ còn ấm”.
Bà Mỹ Dung nói, năm 2016 Long An có trên 16.000 cuộc kiểm tra, đã xử lý trên 2.000 vụ buôn lậu và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã kiểm tra trên 12.000 cuộc, xử lý hơn 2.000 trường hợp.
Theo bà Mỹ Dung, những số liệu trên minh chứng cho sự quyết liệt, trách nhiệm của các lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua.
“Đặc biệt có một cán bộ quản lý thị trường đã quyết tâm truy đuổi, bắt buôn lậu đường thuỷ và bị bọn buôn lậu cướp lại hàng hoá, hung hãn đánh cán bộ này khiến anh tử vong”, bà Dung nói.
Cũng theo đại biểu Long An, vừa qua đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát tình hình buôn lậu trên biên giới, kết quả cho thấy tình hình đã được kiểm soát, giảm so với cùng kỳ.
"Không thu hút FDI bằng mọi giá"
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng sự đóng góp của đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế là đáng ghi nhận, nhưng sau “cơn địa chấn thu hút FDI” là nỗi lo. Ông Nhân phân tích, 25 năm qua, khu vực FDI từ chỗ đóng góp 2% GDP năm 1992 lên 20% năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động và góp bình quân thu nhập đầu người hơn 2.000 USD... Nhưng khu vực này chỉ góp vào ngân sách 15-17%.
Theo ông, cả nước có 50 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ và càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất. Dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân nói mỗi năm các quốc gia nghèo (trong đó có Việt Nam) thất thoát 170 tỷ USD tiền thuế do một nửa giá trị thương mại phải "ở lại" những thiên đường thuế vì ý đồ tránh, trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài ra, 80% khoản thu của doanh nghiệp ngoại được nộp về chính quốc, chỉ 20% số này góp vào thuế thu nhập doanh nghiệp song với số doanh nghiệp báo lỗ lớn thì “số thu này gần như bằng không”.
Ông Nhân cho rằng, doanh nghiệp ngoại có nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp trong nước lại đứng trước hàng loạt rào cản. “Nếu không đơn giản hoá thủ tục hành chính, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020 chỉ có ý nghĩa về mặt con số”, ông nói và kiến nghị, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải chọn lọc, đưa ra cam kết chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá chặt chẽ hơn với doanh nghiệp FDI.
"Nợ chồng lên nợ"
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, nêu phản ánh về việc "cuối năm tăng trưởng rất cao, đầu năm sau thì đột ngột giảm xuống". Cụ thể quý 4 năm 2015, cả nước tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi xuống 5,48%. Mức tăng trưởng này tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% ở quý 4 năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ở quý tiếp theo.
Ông Hàm cũng đề cập đến thực trạng nợ công sát trần (62,2%), thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm.
Nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, nguồn trả nợ từ vay mới, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được nợ, nguồn vay lên tới 252.000 tỷ đồng.
Dự án cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng chưa được phê duyệt
Theo ông Trần Công Thuật - Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình, tỉnh này có lợi thế phát triển về du lịch, tuy nhiên quy hoạch du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa được phê duyệt, trong đó có vấn đề đầu tư xây dựng cáp treo.
"Chúng tôi thấy đa số ý kiến đồng tình và cho rằng xây dựng cáp treo để phục vụ phát triển khu du lịch này. Tuy vậy, một số ý kiến quan ngại cáp treo sẽ ảnh hưởng đến môi trường của vườn quốc gia", ông Thuật nói và cho rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng là một tài sản quý giá để phát triển du lịch, nếu không khai thác tốt thì sẽ lãng phí.
Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội đầu kỳ họp cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.
Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...
Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản.
Theo Hoài Thu - Hoàng Thuỳ - Võ Hải (VnExpress.net)