Thời điểm này, măng cụt bắt đầu vào mùa. Bên cạnh những trái măng cụt chín đỏ, thơm ngọt, mọng nước có giá dao động từ 45.000-80.000 đồng/kg thì loại măng cụt vỏ còn xanh, ruột giòn, vị thanh mát hơi chua nhẹ lại được nhiều người lùng mua.
Đáng chú ý, loại quả xanh này còn có giá vô cùng đắt đỏ, lên tới 480.000-650.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh - đầu mối bán hoa quả ở TP.HCM, cho biết, quả măng cụt chín đã quen thuộc với nhiều người. Song ít ai biết rằng, măng cụt lúc xanh còn là món ăn đặc sản hiếm có, bởi việc thu hái, sơ chế mất rất nhiều công sức. Hơn nữa, do mỗi năm chỉ có một mùa nên giá loại quả này không hề rẻ.
Vì thế, năm nào đến mùa chị Hạnh cũng lấy măng cụt ở Bình Dương, Tây Ninh,... về bán. Loại măng cụt xanh và chín đều có cả.
Với măng cụt xanh chưa gọt vỏ, chị đang bán từ 80.000-95.000 đồng/kg. Riêng măng cụt đã gọt vỏ giá vô cùng đắt đỏ, lên đến 550.000 đồng/kg. Bởi, phải gọt khoảng 4-5kg quả mới được 1kg ruột, chưa kể thời gian gọt cũng mất tới 1,5-2 tiếng đồng hồ.
Ruột măng cụt xanh thường được sử dụng để làm gỏi. Do quả còn xanh nên phần vỏ khá cứng và có nhiều mủ, nếu người mua không biết sơ chế thì măng cụt sẽ bị đen, ăn bị chát. Vì vậy, chị thường gọt sẵn để khách mua về chế biến luôn và bảo quản được lâu hơn.
Để làm gỏi ngon, theo chị Hạnh, không chọn quả non hay chín quá, mà phải chọn những quả vỏ da xanh nhưng đã đủ độ già, vỏ có vết rám vừa độ chín tới, thịt măng cụt bên trong sẽ có độ giòn, vị ngọt, chua vừa phải, chắc thịt, có vị chát lạ miệng. Đặc, biệt, khi hái quả phải gọt vỏ, bảo quản ngay, nếu để chậm 1-2 ngày măng cụt sẽ chín không làm gỏi được.
“Năm nay, măng cụt mất mùa nên mỗi ngày tôi chỉ hái được 30-40kg măng cụt xanh. Khách muốn mua quả gọt sẵn phải đặt trước 1-2 ngày, tôi huy động người nhà gọt mới kịp. Tính ra, có đợt tôi bán được vài tạ măng cụt loại này”, chị Hạnh cho hay.
Chị Trần Thị Hiên - đầu mối bán măng cụt ở Bình Dương - chia sẻ, măng cụt được trồng ở nhiều địa phương nhưng thơm ngon nổi tiếng nhất phải kể đến măng cụt Bình Dương. Đây cũng là nơi có món gỏi gà măng cụt lạ miệng, ai ăn một lần cũng xuýt xoa nhớ mãi.
Do mỗi năm chỉ có một mùa, kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 6 nên thời điểm này, nhiều người tranh thủ đặt mua để được thưởng thức những trái măng cụt xanh ngon nhất.
Chị Hiên cho hay, việc sơ chế măng cụt xanh rất công phu bởi lớp vỏ cứng, dễ chảy mủ, khó lột hơn so với măng cụt chin. Thế nên, vừa gọt vừa phải rửa dưới vòi nước cho hết mủ. Người chế biến phải khéo léo nếu không múi măng cụt sẽ bị nát, không giữ được độ trắng.
Trong khi măng cụt chín có giá dao động 70.000-80.000 đồng/kg thì măng cụt xanh gọt sẵn giá lên đến 480.000-650.000 đồng/kg tùy thời điểm. Thậm chí đầu mùa quả chưa có nhiều, giá ruột măng cụt đỉnh điểm tăng vọt lên khoảng 800.000 đồng/kg vẫn không có hàng mà bán.
“Mỗi ngày tôi gom gọt được 15-20kg ruột măng cụt, gọt đến đâu là có khách đặt mua đến đó, vì vậy hàng luôn giữ được độ tươi giòn. Tính ra tôi bán được trên dưới 1 tạ măng cụt/ngày”, chị Hiên nói.
Do có giá khá đắt đỏ nên mọi người thường mua 0,5-1kg ruột quả hoặc mua 2-4kg quả chưa gọt. Nhiều khách ngoài Bắc muốn thưởng thức đặc sản này, chị phải gọt sẵn rồi gửi máy bay ra. Bởi nếu để cả vỏ quả sẽ nhanh chín, mất độ giòn, thơm ngon đặc trưng của măng cụt xanh.
Lần đầu được thưởng thức món gỏi gà măng cụt trong chuyến du lịch ở Bình Dương cách đây 2 năm, anh Lê Quang Chiến ở Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận: “Vị chua, ngọt, chát của măng cụt kết hợp với nước sốt trộn gỏi và thịt gà ngọt bùi ăn khá lạ miệng, tạo nên hương vị đậm đà khó quên. Từ đó, cứ đến mùa măng cụt tôi lại nhờ bạn bè trong đó gửi ra làm món nhậu đãi khách”.
Tuy vậy, để chọn được những trái măng cụt xanh ngon anh phải đặt trước 2-3 ngày mới có với giá vô cùng đắt đỏ, lên đến 600.000 đồng/kg ruột măng cụt. Thế nên, mỗi mùa anh chỉ dám đặt mua 2-4kg măng cụt xanh để dành tiếp khách, gọi là thưởng thức cho biết chút đặc sản miền Nam, anh Chiến chia sẻ.
Theo Nhật Thanh (VietNamNet)