Khác với cảnh người nông dân ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam,... phải bán ớt với giá rẻ như cho vẫn ế, dịp này tại Mường Tè, đặc sản ớt trung đoàn lại có giá cao chót vót. Ớt hái đến đâu đều được mối buôn thu mua hết đến đó, thậm chí người dân không có ớt mà bán.
Chị Nguyễn Thị Su - một hộ trồng ớt trung đoàn ở xã Kan Hồ (Mường Tè) - cho biết, gia đình chị trồng 3 sào ớt trung đoàn. Năm nay, thời tiết không thuận lợi nên ớt mất mùa, sản lượng sụt giảm nên đầu vụ giá ớt bán lẻ rất cao, lên đến 270.000 đồng/kg.
Chị chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, loại ớt này đã xuất hiện trong các bữa ăn của gia đình chị. Trước đây, nhà chị chỉ trồng một vài cây để ăn hoặc cho người thân, bạn bè, chứ chưa buôn bán gì. Song, một vài năm trở lại đây, nhiều người từ các vùng khác hỏi mua, thấy được giá, từ đó nhà chị mở rộng thêm diện tích trồng giống ớt đặc sản này.
Thời điểm này mới bước vào đầu vụ nên chị chỉ hái được khoảng 3 kg/ngày. Để có số lượng giao cho các mối buôn, chị phải thu gom thêm ớt của người dân trong bản. Tính ra, mỗi ngày nhà chị cũng thu được khoảng 15kg ớt, song đều có khách đặt trước hết, phải chờ 3-4 ngày nữa chị mới gom được tiếp.
“Năm ngoái, giá ớt dao động 150.000-220.000 đồng/kg tùy số lượng và thời điểm, nhưng năm nay ớt mất mùa nên giá cao hơn. Tôi đổ sỉ từ 5kg với giá 220.000 đồng/kg, có thời điểm bán lẻ giá ớt tươi lên đến 280.000-300.000 đồng/kg khách vẫn tranh nhau mua”, chị Su nói.
Ngoài bán ớt tươi, chị còn bán ớt xóc muối với giá 100.000 đồng/hộp (3-4 lạng). Tính ra, năm nào được mùa, gia đình chị thu được khoảng 50-60 kg ớt/sào/năm, ước mỗi năm thu được khoảng vài ba chục triệu.
Chị Hoa, hộ trồng ớt trung đoàn lâu năm ở Ka Lăng (Mường Tè), cũng cho biết, trồng ớt này giống như việc làm thêm thời vụ, thêm chút đồng ra đồng vào vì mùa vụ chỉ kéo dài tầm 5 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó thời điểm ớt chín rộ nhất vào khoảng tháng 6 đến tháng 8.
Theo chị, sở dĩ có tên ớt trung đoàn là để chỉ độ cay của chúng, ý nói cả trung đoàn chỉ ăn hết một quả ớt này thôi vì quá cay. Thêm nữa, loại ớt này còn có mùi thơm đặc trưng khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi. Vì vậy, không chỉ bán cho các tỉnh lân cận, chị còn chuyển đi Hà Nội, TP.HCM.
Hiện mỗi ngày chị thu gom được khoảng 10kg ớt tươi, khách muốn mua nhiều phải đặt trước hàng tháng. Cũng bởi vị cay, thơm ngon, số lượng lại không có nhiều nên giá ớt bán lẻ những năm gần đây vẫn giữ được mức từ 200.000 đồng/kg trở lên, chị Hoa cho hay.
Tương tự, chị Chu Thị Nhung - hộ trồng ớt trung đoàn ở Thu Lũm (Mường Tè) - cũng thừa nhận, ngay từ đầu vụ, nhiều khách ở dưới xuôi đã đặt hàng ớt trung đoàn để mang đi biếu hoặc mua tích trữ ăn dần.
So với nhiều giống ớt khác, ớt trung đoàn cho quả to và vị cay hơn hẳn. Vào chính vụ ớt rộ, mỗi ngày chị thu gom được trên dưới 10kg với giá dao động 170.000-180.000 đồng/kg. Song nhiều người vẫn về tận nơi mua cho bằng được, chị Nhung chia sẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, Chủ tịch xã Thu Lũm Phùng Lòng Kà cho biết, Thu Lũm là một trong những xã có diện tích trồng ớt trung đoàn lớn nhất ở huyện Mường Tè, với tổng diện tích khoảng 4-5ha.
Theo ông, ớt trung đoàn đã được trồng ở đây từ rất lâu. Trước đây, mỗi hộ chỉ trồng một vài cây làm gia vị ăn trong gia đình. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người dân mới bắt đầu bán đi khắp nơi. Thấy được giá, họ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt. Hộ trồng nhiều thì khoảng 2-3 sào, hộ trồng ít chưa đến 1 sào.
Tuy nhiên, giống ớt này khá khó tính, đòi hỏi điều kiện trồng khắt khe. Cây chỉ cho quả cay, thơm ngon khi được trồng trên đất đá, khí hậu mát mẻ. Nếu thới tiết nhiều nắng, mưa hay lạnh quá, cây cũng dễ chết. Hơn nữa, việc tưới bón cũng đòi hỏi người trồng có kinh nghiệm, cây mới phát triển được. Vì vậy, giống ớt này ngày càng hiếm và có giá thành cao.
“Trung bình mỗi năm, sản lượng ớt trung đoàn của toàn xã đạt khoảng 4-5 tấn/vụ. Với giá bán bình quân là 150.000 đồng/kg, ước tính doanh thu từ cây ớt này của xã đạt khoảng 600-700 triệu/năm”, ông nói.
Cây ớt đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trong xã. Song, đặc sản ớt trung đoàn cung cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận là chủ yếu, việc tiêu thụ còn nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, chính quyền xã và người dân rất mong muốn được hỗ trợ, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, từ đó người dân yên tâm phát triển, đầu tư mở rộng diện tích, sản lượng, ông Kà cho hay.
Theo Nhật Thanh (VietNamNet)