Vài ngày qua, việc cựu CEO Trần Phương Bình và 20 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị đề nghị truy tố khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư vào cổ phiếu PNJ (Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận) lo lắng. Nhất là khi giữa PNJ và DongA Bank vẫn có nhiều mối quan hệ lằng nhằng, chồng chéo với nhau.
PNJ đã “minh bạch” với DongA Bank?
Một vấn đề được cổ đông PNJ quan tâm nhất hiện nay, đó là DongA Bank liệu có còn ảnh hưởng gì đến PNJ? Liệu PNJ có “mất trắng” khoản đầu tư lên tới hơn 395 tỷ đồng (tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,7% vốn) nếu DongA Bank bị mua lại 0 đồng như những tin đồn trên thị trường gần đây?
Trả lời vấn đề này, đại diện PNJ cho biết, khoản đầu tư vào DongA Bank đã được PNJ dành trên 395 tỷ đồng để trích lập dự phòng (dự phòng 100%) . Hơn nữa, với giá trị thương hiệu, hệ thống mạng lưới của DongA Bank lớn hơn nhiều so với những khoản thất thoát và Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định không có chuyện mua lại DongA Bank 0 đồng như tin đồn trên thị trường gần đây. Do đó không có chuyện PNJ mất trắng khoản đầu tư này.
Bên cạnh đó, khoản vay dài hạn 40 tỷ đồng của PNJ tại Ngân hàng Đông Á thì PNJ đã trả xong dứt điểm vào ngày 31.12.2017.
Như vậy, tất cả các mối quan hệ tài chính giữa PNJ và DongA Bank hiện đã được tất toán xong hoặc trích lập dự phòng đầy đủ.
Tuy nhiên, giữa 2 bên vẫn có những mối quan hệ lẫn nhau liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần tại DongA Bank. Cụ thể, theo công bố thông tin sở hữu, với tỷ lệ sở hữu tổng cộng 12,73%, ông Phan Văn Anh Vũ (được biết đến với tên gọi Vũ ''nhôm'', đã bị bắt vì tội làm lộ bí mật Nhà nước) và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 là nhóm cổ đông lớn nhất của DongA Bank. Kế đến là Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đang sở hữu tỷ lệ 7,7% vốn và Văn phòng Thành uỷ TP.HCM chiếm tỷ lệ 6,87%.
Ngoài 7,7% vốn do PNJ nắm giữ, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần tại DongA Bank.
Đến những “người quen” trong nhân sự
Bên cạnh những quan hệ về sở hữu, các nhân sự trong bộ máy điều hành giữa PNJ và DongA Bank thời gian qua cũng đều là những người khá quen thuộc với 2 bên. Điều này cũng không có gì bất ngờ bởi tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, khi đó cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongA Bank từ năm 1992-1997.
Ngoài ra, trong danh sách 21 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị đề nghị truy tố mới đây, ngoài ông Trần Phương Bình, cựu CEO DongA Bank đồng thời cũng là chồng của bà Cao Thị Ngọc Dung; một cái tên cũng khá quen thuộc là bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng Giám đốc DongA Bank cũng là một cái tên rất quen thuộc với PNJ bởi trước khi DongA Bank thành lập, bà Vân là thư ký Tổng Giám đốc cho bà Cao Thị Ngọc Dung.
Thời gian gần đây nhất, ông Lê Trí Thông mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PNJ thay bà Cao Thị Ngọc Dung cũng là một “người quen” của DongA Bank. Cụ thể, thời điểm năm 2008, ông Lê Trí Thông chính thức đầu quân cho DongA Bank và kiêm nhiệm nhiều vị trí cấp cao như: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á đồng thời kiêm Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thẻ Thông minh ViNa - V.N.B.C.
Năm 2011, vừa mới bước qua tuổi 31 nhưng ông Lê Trí Thông đã được nhắm vào vị trí Tổng Giám đốc của DongA Bank, kế nhiệm thay cho vị CEO nổi tiếng Trần Phương Bình. Song sau hơn 3 năm kể từ thời điểm được giới thiệu là người kế nhiệm, ông Lê Trí Thông bất ngờ nói lời chia tay DongA Bank (năm 2014), trước khi DongA Bank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8.2015).
Thế nhưng bất ngờ, sau vài ngày sau thông tin em gái ruột Lê Diệp Kiều Trang sẽ giữ chức Giám đốc Facebook Việt Nam, ông Lê Trí Thông cũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PNJ thay bà Cao Thị Ngọc Dung. Như vậy có thể nói, ông Lê Trí Thông vẫn là người được vợ chồng ông Bình, bà Dung "nhắm" đến.
Theo Quốc Hải (Dân Việt)