Chiến tranh thương mại vào tận nhà người Mỹ
Tổng thống Mỹ Trump cuối tuần trước nâng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, vào thời điểm hai nước đang đàm phán để đưa ra một thỏa thuận thương mại. Trung Quốc sau đó đáp trả bằng cách áp thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Giới phân tích cho rằng căng thẳng hiện giờ không chỉ còn là cuộc đối đầu giữa Mỹ - cường quốc lãnh đạo kinh tế toàn cầu và Trung Quốc - nước đang trỗi dậy để thách thức vị thế của Washington. Đây còn là cuộc đối đầu ý chí giữa hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cả hai đều coi mình là những lãnh đạo mạnh mẽ, có quyền lực chi phối bộ máy trong nước và có khả năng gây ra những chấn động toàn cầu - như cách họ đã làm thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc đi xuống với những đòn ăn miếng trả miếng. Cả hai đều thấy danh dự của quốc gia mình bị đe dọa vào thời điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Một lý do khiến cuộc chiến thương mại có thể kéo dài là Trump tin rằng ông đang chiến thắng. Trump tin tưởng vào sức mạnh nền kinh tế Mỹ và sẵn sàng chấp nhận việc thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong vài ngày.
"Chúng ta đang ở một vị thế rất tốt và tôi nghĩ rằng tình hình sẽ chỉ trở nên tốt hơn", ông nói ngày 13/5. "Chúng ta hiện là nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Trung Quốc và kinh tế đã tăng tiến đáng kể từ sau cuộc bầu cử năm 2016. Chúng ta là 'con lợn đất' mà mọi người đều muốn bòn rút và lợi dụng! Không thể để tình trạng này xảy ra thêm nữa!".
Trump là người khó đoán và ông có thể có những thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, ông giữ niềm tin sâu sắc về mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc. Ông nhiều lần cáo buộc nước này ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ và thực hiện các chính sách thiên vị doanh nghiệp nội địa.
Tổng thống Mỹ cũng đánh giá rằng ông sẽ hưởng lợi về mặt chính trị khi đối đầu với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đã cáo buộc Bắc Kinh "cưỡng bức" công nhân Mỹ. Vì vậy, Trump cho rằng mình phải thực hiện tốt lời hứa "chơi rắn" với Trung Quốc mà ông từng đưa ra, trước khi bước vào tranh cử nhiệm kỳ hai năm 2020.
Ông sử dụng cuộc đối đầu với Trung Quốc để nhấn mạnh sự tương phản giữa mình với cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên hàng đầu năm 2020 của đảng Dân chủ. Biden đầu tuần này phàn nàn rằng Trump đã tiếp cận vấn đề thương mại một cách sai lầm khi "tỏ ra quá hùng hổ nhưng không có hành động hiệu quả".
Trong khi đó, Tổng thống cho rằng Biden quá nhu nhược để có thể đối phó ông Tập. "Trung Quốc đang mơ mộng rằng Joe Biden 'ngái ngủ' hoặc bất kỳ ai khác sẽ đắc cử vào năm 2020. Họ thích lợi dụng nước Mỹ!", Trump viết trên Twitter vào cuối tuần trước.
Tuy nhiên, Trump đối mặt rủi ro chính trị là cuộc chiến tranh thương mại kéo dài có thể làm xói mòn sự tăng trưởng của Mỹ. Các cử tri có thể chán chường khi giá của những hàng hóa như iPhone, đồ chơi và thực phẩm gia tăng. Các nhà sản xuất Mỹ và doanh nghiệp xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi các đòn đánh thuế ăn miếng trả miếng.
Rick Helfenbein, Giám đốc Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cho biết các doanh nghiệp trong ngành "rất lo lắng". "Chúng tôi cảm giác như vừa mua vé cho chuyến đi thứ hai của tàu Titanic, sự khác biệt duy nhất là chúng tôi biết chính xác các tảng băng trôi ở đâu", Helfenbein nói.
Nông dân Mỹ cũng dễ bị ảnh hưởng từ thuế trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Trung Tây, nơi cử tri không nghiêng hẳn về đảng nào. Điều đó có thể là bất lợi cho Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại giữa hai nước còn có thể có tác động lan tỏa. Nếu kinh tế Trung Quốc chững lại thì những nền kinh tế khác ở châu Á và châu Âu cũng có thể chịu ảnh hưởng, từ đó tác động xấu đến tỷ lệ việc làm và sự thịnh vượng của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại đã hé lộ một điều phản ánh bước phát triển địa chính trị quan trọng: Trung Quốc không e dè Mỹ.
Khi hai bên soạn dự thảo thỏa thuận thương mại vào tuần trước, Trung Quốc đột ngột thay đổi các điều kiện. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nêu ba lý do: Washington từ chối dỡ bỏ toàn bộ thuế quan với Bắc Kinh; Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số lượng sản phẩm không hợp lý; Trung Quốc coi ngôn từ trong dự thảo là "không cân bằng", ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc.
Động thái này thể hiện rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn "xuống nước" với Trump. "Trung Quốc cảm thấy họ không cần phải nhượng bộ", Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nói.
Ông Tập cũng đối mặt với áp lực chính trị trong nước. Ông phải chú ý đến phản ứng trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và dư luận trong nước đối với các quyết định thương mại. Bất cứ điều gì có thể bị coi là nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, chẳng hạn như sửa đổi luật Trung Quốc, đều đi ngược lại với hình ảnh mạnh mẽ mà ông đã tạo ra.
Báo đảng Trung Quốc People's Daily nhấn mạnh niềm tự hào của nước này trong bài xã luận được đăng vào đầu tuần. Họ nói rằng Mỹ đã đánh giá sai "sức mạnh, khả năng và ý chí" của Trung Quốc khi đưa ra "quyết định mạo hiểm và hấp tấp".
"Giữ thể diện là một vấn đề lớn ở Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình không muốn bị coi là phải lùi bước trước Mỹ. Tôi không nghĩ rằng người Mỹ không hiểu được điều đó", Baucus nói.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)