Cuộc đấu hiện không còn chỉ là đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ – một cường quốc đang trỗi dậy thách thức sự thống trị đã thiết lập từ lâu của một lãnh đạo kinh tế toàn cầu.
Nó trở thành phép thử của lý trí giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, mỗi bên đều có những lợi ích chính trị nhiều khả năng làm gia tăng xung đột hơn là nhanh chóng xoa dịu căng thẳng.
Theo đánh giá của CNN, cả hai đều tự xem mình ở thế mạnh. Cả hai đều áp đặt quyền lực lên hệ thống quản trị trong nước bằng sức mạnh lý trí.
Thiết lập chỗ đứng
Cả hai đều có quyền lực kích hoạt những đợt sóng gây sốc toàn cầu – như những gì họ đã làm khi thị trường lao dốc sau khi Tổng thống Trump áp thuế quan trừng phạt hồi tuần trước, và Trung Quốc đáp trả bằng gói thuế quan hàng chục tỷ USD hôm 13/5.
Cả hai bên đều xem danh dự của quốc gia mình bị đe dọa vào thời điểm quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, khi cuộc cạnh tranh mới nổi giữa hai cường quốc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Trong khi ông Trump tuyên bố hai bên đang tới gần một thỏa thuận, trước khi Trung Quốc có những bước đi ngoài dự kiến, khoảng cách trong ý định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán trong tương lai.
Ông chủ Nhà Trắng, người vẫn thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ giúp cho các doanh nghiệp nhà nước, tin rằng ông phải tự thay đổi hệ thống thương mại toàn cầu vì nó là một sự bất công lớn đối với Mỹ.
Và Tổng thống Trump cho rằng sức mạnh của nền kinh tế nước nhà giúp ông có lợi thế và khả năng đổ lỗi sự bế tắc lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Chúng ta đang ở đúng chỗ chúng ta mong muốn trong câu chuyện với Trung Quốc. Hãy nhớ rằng họ đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta và tìm cách thương thảo lại”, ông Trump viết trên Twitter hôm 12/5.
Ông Tập coi các yêu cầu của Mỹ là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Ông có động cơ để giữ nguyên trạng toàn cầu hóa bởi Trung Quốc đã thu lợi lớn từ hiện trạng đó với sự tăng trưởng bùng nổ hai thập kỷ qua.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn ở vị trí thấp hơn người đồng cấp Mỹ.
"Trung Quốc cảm thấy họ không cần phải đầu hàng”, Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nói với CNN hôm 13/5.
"Thêm vào đó, giữ thể diện là một vấn đề lớn với Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn trông có vẻ xuống nước. Tôi không nghĩ rằng Mỹ hiểu điều đó”, nhà ngoại giao từng là thượng nghị sỹ bang Montana cho biết thêm.
Trong khi Tổng thống Trump nói hôm 13/5 rằng ông sẽ nói chuyện với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, khoảng cách giữa hai bên tới lúc đó có thể đã quá lớn.
Ý thức hệ của ông Trump
Một lý do giải thích tại sao tranh chấp có thể kéo dài là vì Tổng thống Trump dường như thực sự tin rằng ông sẽ thắng.
Tự tin về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ có thể sẵn sàng hy sinh một ngày thất thu trên thị trường chứng khoán, và sử dụng công cụ thuế quan yêu thích của mình, người đứng đầu nước Mỹ đã không hề tỏ ra một chút ngần ngại.
“Chúng ta đang ở vị thế rất tốt, và tôi cho rằng tình hình sẽ chỉ có tốt hơn nữa”, ông Trump nói hôm 13/5.
Ông Trump thường linh hoạt về mặt tư tưởng và có vẻ uyển chuyển về tranh chấp. Song ông giữ niềm tin sâu sắc về mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và từ lâu đã ủng hộ một biện pháp bảo hộ. Đó là vấn đề mà ông thể hiện sự tin tưởng thực sự. Sau cùng, ông dường như đã sẵn sàng đánh cược vào sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới - tài sản chính trị tốt nhất của nhà lãnh đạo Mỹ trong cuộc đua tái tranh cử năm 2020.
Những bình luận “diều hâu” của ông Trump hôm 13/5 có thể là một nỗ lực để trấn an thị trường đang chao đảo. Tuy nhiên, nó cũng đẩy chủ nhân của những phát ngôn đó vào một vị trí khó có đường lùi mà không mất mặt.
Tới nay, ít nhất là ở thời điểm trước khi những thiệt hại với nền kinh tế và tiêu dùng từ cuộc chiến thương mại leo thang trở nên rõ nét hơn, ông Trump có thể tin rằng vị thế chính trị của mình sẽ nâng tầm nhờ đứng lên chống lại Bắc Kinh.
Và sau khi cáo buộc Bắc Kinh “ức hiếp” người lao động Mỹ trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump muốn thực hiện những lời hứa của mình trước cuộc đua năm 2020.
Tổng thống Mỹ cũng sẽ dùng cuộc đối đầu với Trung Quốc để xoáy sâu sự tương phản với cựu phó tổng thống Joe Biden – nhân vật nhiều khả năng sẽ là mũi nhọn tranh cử của đảng Dân chủ.
Hôm 13/5, ông Biden nói rằng Tổng thống Trump đang sa vào cuộc chiến thương mại hoàn toàn sai lầm bằng cách thể hiện “quá nhiều sự liều lĩnh mà không có hành động”.
Về phần mình, ông Trump chê trách ứng viên 76 tuổi của đảng Dân chủ quá yếu đuối để có thể đương đầu với Chủ tịch Tập.
“Trung Quốc đang mơ ước Joe Biden 'buồn ngủ' hoặc bất cứ ai khác đắc cử tổng thống năm 2020. Họ muốn đánh cắp nước Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter cuối tuần qua.
Canh bạc lớn cho 2020
Ông Trump thường đặt cược vào chính sách đối ngoại từ mong muốn nâng cao vị thế của bản thân ở trong nước. CNN gần đây nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ cực kỳ quyết liệt trong mục tiêu xây dựng hình ảnh bản thân như một bậc thầy thỏa thuận.
Rủi ro chính trị lớn với vị tổng thống là cuộc chiến tranh thương mại kéo dài bắt đầu làm xói mòn sự tăng trưởng của Mỹ, làm mất giá trị chương trình hưu trí 401k trong điều chỉnh thị trường và làm lu mờ yếu tố tích cực về kinh tế, đồng thời gây suy yếu niềm tự hào của ông Trump về một kỷ nguyên thịnh vượng mới.
Các cử tri có thể mệt mỏi khi phải trả thuế đối với những hàng hóa như iPhone, đồ chơi và thực phẩm, dù cho ông Trump lớn tiếng khẳng định rằng Trung Quốc chứ không phải người tiêu dùng Mỹ phải trả chịu khoản thuế đó.
Các nhà xuất khẩu Mỹ cũng sẽ trúng đòn từ thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc, trong khi ngành sản xuất Mỹ cũng không tránh khỏi hệ lụy.
Rick Helfenbein, CEO của Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép và may mặc Mỹ, nói rằng ngành đang chịu cú sốc quá sức.
“Chúng tôi đang ở vị trí giống như mua những tấm vé cho lần ra khơi thứ hai của tàu Titanic, khác biệt duy nhất lúc này là chúng tôi biết chính xác tảng băng nằm chỗ nào”, Helfenbein nói với CNN.
Những thương tổn mà nông dân Mỹ đang phải gánh chịu từ đòn trả đũa thuế quan của Trung Quốc, đặc biệt là những nông dân ở miền Trung Tây, cũng có thể gây ra cú sốc năm 2020 cho Tổng thống Trump.
Trừng phạt Bắc Kinh cũng có thể gây hiệu ứng lan tỏa. Nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo chậm, các nền kinh tế khác, trong đó có các thị trường xuất khẩu của Mỹ ở châu Á và châu Âu, có thể cũng ảnh hưởng, từ đó gây tổn hại tới việc làm và thịnh vượng của Mỹ.
“Nếu chúng ta áp toàn bộ thuế quan thì có nguy cơ suy thoái kinh tế”, Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng của Grant Thornton, nói với CNN hôm 13/5.
Kịch bản ảm đạm đó chính là một lý do để một số nhà phân tích vẫn đánh cược rằng ông Trump sẽ tiến tới một thỏa thuận sau giai đoạn lên gân.
Cuối cùng, sau khi leo thang căng thẳng, ông sẽ lùi lại – trong khi tuyên bố các thay đổi với một thỏa thuận hiện có là thắng lợi với Mỹ.
Lựa chọn của ông Tập
Cuộc đối đầu thương mại đã vén màn một sự thật phản ánh bước chuyển biến địa chính trị quan trọng: Bắc Kinh không e sợ Mỹ.
Ông Trump đã dành cả cuối tuần rồi cảnh báo Trung Quốc trên Twitter rằng “tổn thất sẽ rất tệ hại” nếu Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận.
Vào sáng 13/5, nhà lãnh đạo Mỹ đã có câu trả lời khi Bắc Kinh thông báo kế hoạch áp thuế quan lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Cũng giống như Tổng thống Trump, ông Tập không tránh khỏi sức ép chính trị, dù ông là lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ.
Các lãnh đạo Trung Quốc thường ngại thay đổi các điều kiện xã hội, điều có thể xảy ra do kinh tế phát triển chậm lại, gây ra sự phẫn nộ của người dân.
Trung Quốc cũng rất nhạy cảm với trải nghiệm trong quá khứ phải chịu đựng chủ nghĩa thực dân. Nước này luôn tự hào vì sự lớn mạnh, vươn lên trở thành cường quốc khu vực và toàn cầu. Vậy nên, ông Tập hẳn sẽ không cho phép bản thân cúi đầu trước bất cứ lãnh đạo Phương Tây nào, chứ không phải riêng một tổng thống Mỹ thích gây kịch tính như ông Trump.
Tầm quan trọng của niềm tự hào của người Trung Quốc trong cạnh tranh được phản ánh trong bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 13/5. Bài viết cáo buộc Mỹ đánh giá sai "sức mạnh, khả năng và ý chí" của Trung Quốc, và đưa ra một "quyết định mạo hiểm và thiếu kiên nhẫn".
Theo nhận định của cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Baucus, người Mỹ đã chưa đánh giá đúng sức mạnh, tầm cỡ và đòn bẩy của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng Bắc Kinh đang chơi ván cờ dài hơi hơn Washington, với sự cứng rắn của giới lãnh đạo Trung Quốc, có thể đủ khả năng hấp thụ các tác dụng phụ đau đớn của cuộc chiến thương mại.
“Tôi cho rằng những ai nghĩ Mỹ có đòn bẩy thì hẳn họ chưa thực sự hiểu đầy đủ về Trung Quốc. Trung Quốc nghĩ dài. Họ có một chính phủ quyền lực…”, ông Baucus nhấn mạnh.
Cả ông Tập và ông Trump đều biết đối phương có nhiều thứ để mất. Câu chuyện lúc này là câu hỏi ngoại giao hóc búa lâu đời: Họ có thể đưa ra một kết quả để cả hai đều tuyên bố chiến thắng?
Theo Thu Hằng (Tri Thức Trực Tuyến)