Những người bán hàng phụ thuộc vào Facebook và các nền tảng của mạng xã hội này lao đao khi sự cố xảy ra, khiến họ không thể quảng bá sản phẩm. Nhiều người cho hay đã thiệt hại không nhỏ.
Anh Lưu Quang Pháp, chủ shop kinh doanh gối online, chia sẻ anh tổn thất nặng nề khi đang chạy quảng cáo nhưng hệ thống Facebook gặp lỗi, tương tác thấp. Mức độ thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng.
“Mỗi ngày mình bỏ ra 2 triệu chạy quảng cáo nhưng thời gian gần đây, lượng đơn hàng giảm mạnh do ít được tương tác. Khi sự cố xảy ra, mình đã dừng chiến dịch quảng cáo. Mình đang lo lắng nếu tình trạng này tái diễn thì phải tính kênh khác để kinh doanh”, anh Pháp cho hay.
Cũng bỏ tiền ra chạy quảng cáo, anh Vũ Công Học (chủ shop cá koi Bác Hường) cho hay, Facebook sập mạng khiến anh gần như không kiếm được đồng nào trên nền tảng này, từ đó khiến doanh thu sụt giảm.
Thời điểm hiện tại, một số tài khoản Facebook đã được khắc phục và cho chạy chiến dịch quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo lắng, do dự vì sợ Facebook bị lỗi nữa và bỏ tiền quảng cáo lúc này cũng không mang lại hiệu quả cao.
Phụ thuộc quá nhiều vào Facebook đang là tình trạng của nhiều shop. Lê Phan Ngọc Lan, chủ shop mỹ phẩm LengrinStory, gặp sự cố nhớ đời cuối năm 2018, khi nick Facebook, kênh mang lại 70% nguồn doanh thu của công ty, bị hack.
“Mỗi ngày đều đều có được 100-150 đơn thì bỗng dưng nick bị hack, suốt 2 tuần đó, doanh số sụt giảm thê thảm. Nhưng may mắn là tôi đã xài phần mềm quản lý bán hàng song song với việc bán hàng trên Facebook, nên ít nhất toàn bộ thông tin về khách hàng của công ty không bị mất”, chị Lan chia sẻ.
Để xử lý khủng hoảng này, Ngọc Lan ngay lập tức gửi tin nhắn xin lỗi chân thành về sự bất tiện này cho toàn bộ khách hàng theo cơ sở dữ liệu mà phần mềm bán hàng Sapo lưu trữ, đồng thời điều hướng khách mua hàng tới cửa hàng và gọi hotline bán hàng. Sau lần này, Ngọc Lan quyết tâm phát triển kênh website mà đã bỏ không cả năm trước đó để luôn dành được sự chủ động dù có bất kể điều gì xảy ra.
Trong khi mải chạy quảng cáo trên Facebook, nhiều shop bán hàng lại bỏ rơi, không chịu chăm sóc website của mình.
Tình trạng các chủ shop làm website xong rồi để đó không phải là hiếm, ông Trần Trọng Tuyến, CEO của Sapo, nhận xét. “Có tới 30% các khách hàng làm website xong lại không đầu tư nội dung và hình ảnh, vì thế chẳng những không thu hút được khách hàng trên mạng, mà trong các tình huống gặp sự cố như kênh bán hàng trên Facebook bị lỗi thì trở tay bán hàng trên website cũng không kịp.”
Các chuyên gia cho rằng, việc quá phụ thuộc vào Facebook khiến các nhà quảng cáo hay doanh nghiệp lúng túng nếu xảy ra chuyện không hay. "Họ nên đa dạng các nền tảng quảng bá, cũng như bảo vệ quyền lợi của mình khi chi tiền cho Facebook", Nguyễn Thành Nam, một chuyên gia, khuyến cáo.
Ông Nam cho rằng: “Facebook là nơi bạn đi tìm khách, còn website là nơi khách đến tìm bạn”. Google cũng luôn khuyến khích việc sử dụng website trong kinh doanh, bởi điều này giúp họ dễ dàng thu thập thông tin và lập chỉ mục nội dung trang website của bạn về sản phẩm để cung cấp cho khách hàng khi lựa chọn. Đây cũng là lý do sử dụng website để quảng bá rộng hơn cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hay cá nhân mình.
Theo ông Tuyến, chiến lược bán hàng đa kênh thực sự phát huy tác dụng khi thị trường có sự biến động, trong lúc các đơn vị khác đang than phiền vì bị mất doanh số thì đây lại là cơ hội rất lớn cho những chủ shop có tầm nhìn xa, đầu tư bài bản đa kênh, gia tăng doanh số và thúc đẩy thị phần, ung dung vượt qua được khủng hoảng.
Lời khuyên trong tình huống này là những chủ shop đang kinh doanh trên Facebook hãy giữ nguyên đăng nhập để giữ được kết nối với khách hàng, sự cố chắc sẽ khắc phục được trong thời gian ngắn.
Cùng lúc đó, nên gửi tin nhắn đồng loạt xin lỗi chân thành cũng như điều hướng khách hàng về các kênh khác mà có người túc trực như website, Zalo hay hotline tổng đài.
Theo Nam Hải (VietNamNet)