Ngày 6-3-2019, PV Báo ANTĐ đã ghi nhận sự việc bức xúc mà chị N.Y (SN 1991, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) gặp phải, khi đặt mua hàng trực tuyến và bị kẻ lừa đảo dễ dàng qua mặt bằng cách lợi dụng những lỗ hổng cố hữu trên nền tảng Sen Đỏ (Sendo).
Cụ thể, chị Y. cho biết, vào trưa ngày 25-2-2019, chị đã đặt mua 4 chiếc cốc nguyệt san (vật phẩm dùng thay băng vệ sinh) mang thương hiệu Claricup, qua sàn Shopee. Mức giá phổ biến của sản phẩm này trên thị trường dao động trong khoảng 600.000 - 800.000 đồng.
"Kẻ lừa đảo đã tạo gian hàng trên Shopee, rồi copy toàn bộ nội dung, hình ảnh, thậm chí cả số điện thoại của một gian hàng uy tín khác.
Điểm đặc biệt là kẻ lừa đảo đã tự đưa ra chương trình khuyến mãi mua 4 cốc thì được giảm giá ưu đãi, còn 1,8 triệu đồng trọn bộ. Do tôi thấy hợp lý nên đã rủ đồng nghiệp mua chung 4 chiếc cốc của gian hàng đó mà không biết là bị lừa đảo", chị Y. cho biết.
Phía bán hàng qua Shopee nói rằng do một số ràng buộc nên họ sẽ giao cốc Claricup như khách đặt, song trên hóa đơn thì ghi là cốc Lincup, và chị Y. đồng ý vì như vậy cũng không ảnh hưởng gì.
Từ đây, chiêu trò lừa đảo tinh vi bắt đầu. Đó là khi kẻ lừa đảo không thực hiện giao hàng qua Shopee, mà chúng tạo gian hàng trên dịch vụ Sendo, rồi tự đặt hàng "ảo" bằng tên Đỗ Nguyễn, đặt Sendo giao 4 chiếc cốc nguyệt san cho chị Y.
Trưa ngày 27-2, nhân viên giao hàng mang hộp sản phẩm tới nhà chị Y., giao với giá 1.811.000 đồng (tính cả phí vận chuyển), bên ngoài hộp ghi "Không cho xem hàng", và cũng không nêu cụ thể đó là đơn hàng do Sendo gửi đi, mà chỉ có một "mã shop".
Do số tiền không nhỏ nên mẹ chị Y. ở nhà đã gọi điện cho con gái để hỏi lại, và chị Y. ngỡ đó là đơn hàng giao từ Shopee nên nói với mẹ đồng ý nhận hàng.
Tối ngày 27-2, người phụ nữ trên về nhà, mở gói hàng ra và giật mình khi thấy trong đó là 4 chiếc cốc nguyệt san loại rẻ tiền của Trung Quốc, mang nhãn... Happycup.
Những sản phẩm này không dán tem, không được bọc niêm phong kín, bên trong chỉ là chiếc cốc cao su được gói sơ sài trong túi nilon dán bằng tay. Về cảm quan, sản phẩm dường như được làm bằng nhựa rẻ tiền, và được định giá chỉ khoảng vài chục nghìn đồng.
Nhận thấy bị lừa, chị Y. đã liên lạc với người giao hàng, thì được biết bưu phẩm này gửi đi từ... Sendo - nơi chị Y. không hề có bất kỳ tài khoản hay lệnh giao dịch nào.
"Khi tôi liên lạc lại với kẻ lừa đảo trên Shopee thì bị chúng chặn cuộc gọi và tài khoản. Thực tế, chúng lại tạo giao dịch ảo trên Sendo nên tôi buộc phải liên hệ công ty này để giải quyết.
Tôi cố gắng gọi Sendo nhằm phong tỏa số tiền đã trả, nhưng tối ngày 27-2, không ai nhấc máy. Tới 8h30 ngày 28-2, tôi mới phản hồi được sự việc cho phía Sendo, qua số tổng đài 1900.6000", chị Y. cho biết.
Qua 7 ngày chờ đợi, nạn nhân vẫn không nhận được phương án giải quyết rõ ràng từ phía Sendo, không rõ có được hoàn lại tiền hay không, và ai là kẻ lừa đảo đứng sau chiêu trò tinh vi nói trên.
Như vậy, có thể thấy lỗ hổng "không đặt hàng, bỗng dưng... nhận hàng" trên hệ thống Sendo vẫn chưa hề được giải quyết triệt để.
Những kẻ lừa đảo vẫn dễ dàng tạo đơn và gửi hàng tới những người không hề đặt, mà phía Sendo không hề kiểm soát được khâu gửi và xác minh đầu mối nhận hàng.
Vì có lỗ hổng như vậy, nên kẻ lừa đảo mới tạo gian hàng trên Shopee để "câu" khách, rồi lại đặt lệnh gửi hàng qua... Sendo.
Trước vụ lừa đảo trên, PV Báo ANTĐ đã ghi nhận hàng loạt vụ việc kẻ xấu tự tạo đơn giao hàng qua nền tảng SenGo của Sendo, rồi gửi tới những người không hề có tài khoản Sendo, không đặt hàng, để thu lợi bất minh (như giao 1 chiếc kẹp giấy, thu về 79.000 đồng ).
Các nạn nhân sau đó đều khiếu nại nhưng bị Sendo phớt lờ , chỉ tới khi báo chí vào cuộc thì công ty này mới chấp nhận hoàn tiền cho khách.
Cũng cần nhắc thêm rằng, vào ngày 11-1-2019, Báo ANTĐ đã gửi công văn đề nghị Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ phản hồi về các vấn đề mà Báo nêu , song đến nay, Sendo vẫn... giữ im lặng.
Theo Trung Hiếu (An Ninh Thủ Đô)