Không còn cảnh rủ nhau đi siêu thị giữa giờ nghỉ trưa, tưởng chừng chị em công sở đã bớt nghiện mua sắm. Thực tế, họ đã chuyển qua hình thức khác thời 4.0 khi mọi thứ đều chỉ cần chạm trên điện thoại. Nếu các công ty chặn Facebook thì họ quay qua mua trên Shopee, Lazada, Tiki,...
Phong trào mua sắm online, đặc biệt ở giới công sở đã trở thành một xu hướng tất yếu, không chỉ dừng ở đó mà nó còn khiến không ít người tiêu dùng trở nên cuồng mua trên mạng.
Trên diễn đàn mạng mới đây, một thành viên chia sẻ hình ảnh người vợ mua chiếc dây buộc tóc trên mạng, hàng đóng gói ship về tận nhà. Điều khiến ông chồng vừa tức vừa buồn cười là người vợ chỉ mua 1 chiếc dây buộc tóc giá chỉ 1 nghìn đồng.
Dữ liệu của Picodi cho thấy, phụ nữ Việt (khoảng 60%) mua sắm nhiều hơn nam giới (khoảng 40%). Không quá ngạc nhiên khi thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng yêu thích mua sắm trực tuyến. Gần một nửa số người mua sắm trực tuyến (49%) là những người nằm trong độ tuổi từ 25-34. Tiếp đến là những người ở độ tuổi từ 18-24 (28%). Những nhóm người trên 35 tuổi chỉ còn dưới 10%.
Chị Nguyễn Thu Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, từ khi có thói quen mua sắm online, mọi thứ chị đều đặt trên mạng từ quần áo, giày dép tới đồ ăn, thực phẩm hàng ngày. “Mua online cái gì cũng tiện, nhiều khi không có nhu cầu nhưng buồn buồn xem trên điện thoại lại ấn vào mua”, chị cho hay.
Không thừa nhận là người nghiện mua sắm online nhưng chị Nga cho biết, trung bình một tuần chị cũng phải mua tiền triệu trên mạng cho cá nhân và sinh hoạt trong gia đình.
Nhu cầu mua hàng trên mạng của người Việt ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của Criteo, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm với tần suất tương đương. 62% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cũng cho biết họ mua hàng tạp phẩm và đồ dùng vệ sinh cá nhân qua giao dịch trực tuyến nhiều hơn.
Công sở trở thành nơi giao hàng
Có cầu ắt có cung, mọi thứ đều được các shop đưa lên mạng. Khảo sát của một sàn thương mại điện tử, giai đoạn giãn cách xã hội ghi dấu những biến chuyển rõ nét trong hành vi mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng. Theo đó, người dùng mua sắm tất cả các mặt hàng thực phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến. Đồng thời thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng có thể đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu của người dùng.
Trước đó, nhận định về xu hướng kinh doanh sau dịch, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết xu hướng mua bán online chắc chắn sẽ khởi sắc, bao gồm nền tảng ứng dụng lẫn thương mại điện tử. Ghi nhận của nền tảng này thời điểm đó cho thấy các hàng quán bắt đầu có xu hướng tìm hiểu để thích ứng với mua bán qua ứng dụng nhiều hơn so với trước.
Một điều khá đặc biệt được các công ty nghiên cứu thị trường cho biết, người Việt có sở thích săn hàng giảm giá trong giờ hành chính, có lẽ là để giảm stress trong công việc.
Hơn 35% giao dịch được thực hiện vào khung giờ từ 12h trưa đến 6h chiều. Hình thức thanh toán tiền mặt (80%) sau khi nhận hàng vẫn rất được ưa chuộng trong mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Không chỉ giờ làm việc mà tối rảnh rỗi, người Việt cũng vào mạng mua sắm. Một báo cáo của Lazada hồi tháng 3 cũng cho thấy người dân mua sắm nhiều ở khung giờ 8-9 giờ tối. Cá biệt còn mua thời điểm 12 giờ khuya đến 1 giờ sáng hôm sau, khung giờ diễn ra các chương trình khuyến mãi.
Các mặt hàng được mua nhiều trên kênh online vẫn liên quan đến điện thoại di động, các sản phẩm mẹ và bé (sữa, tã giấy), gia dụng (nồi, chảo).
Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội cũng như tiện ích cho nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều câu chuyện nghiện mua sắm: không nhớ mình mua gì, đang làm việc xuống lấy hàng, hay giấu vợ chồng vì mua đồ quá nhiều.
Theo Thư Kỳ (VietNamNet)