Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Thậm chí, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Trong đó, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Đồng thời, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng năm 2021 đang được áp dụng theo Nghị định 90 của Chính phủ, cụ thể:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng IV.
Như vậy, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào thì người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng lao động. Chính vì vậy, nếu cho nhân viên làm việc ở nhà nhưng người đó vẫn hoàn thành tốt công việc được giao thì về nguyên tắc vẫn phải được hưởng đủ lương theo thỏa thuận.
Nhưng trường hợp công ty không có khả năng trả đủ lương vì dịch Covid-19 thì sao?
Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn đang phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kinh doanh trở nên khó khăn dẫn đến khả năng chi trả lương cho người lao động cũng vì thế mà ảnh hưởng.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động trong việc điều hành sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình thực tế, pháp luật cho phép người sử dụng có thể giảm tiền lương của người lao động trong 02 trường hợp sau:
1 - Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên. Do đó, pháp luật cũng cho phép các bên được thỏa thuận lại với nhau về các điều khoản trong hợp đồng lao động, trong đó bao gồm cả vấn đề về tiền lương. Và như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đề nghị giảm tiền lương với người lao động.
Tuy nhiên yêu cầu này bắt buộc phải được người lao động đồng ý. Mức giảm sẽ do các bên tự thỏa thuận, nhưng mức lương người lao động được nhận sau khi giảm vẫn phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
2 - Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, khi gặp khó khăn do dịch bệnh nguy hiểm, doanh nghiệp được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Theo đó, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Nhưng việc chuyển này không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Với quy định này, việc chuyển người lao động làm công việc khác phải đảm bảo không được quá 60 ngày làm việc/năm; nếu quá 60 ngày làm việc/năm thì chỉ được chuyển người lao động làm việc khác khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Cũng theo khoản 3 Điều này, khi người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, khi chuyển người lao động làm công việc mới, người sử dụng lao động có thể trả lương thấp hơn trước đó nhưng phải đảm bảo giữ nguyên mức lương cũ trong 30 ngày làm việc và tiền lương công việc mới phải bằng ít nhất 85% lương cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo Giang Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)