Chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc cho thấy, giá lương thực toàn cầu hiện tăng 75% so với mức trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá gạo thế giới đã tăng 5 tháng liên tiếp và tháng 5 vừa qua vọt lên mức cao nhất trong 12 tháng gần đây.
Giá của nhiều loại thực phẩm, từ lúa mì tới ngũ cốc, thịt tới dầu… đều tăng vọt. Đó là do một loạt yếu tố, bao gồm chi phí phân bón và năng lượng, tăng cao trong năm qua cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine gây tác động với chuỗi cung ứng.
Chưa kể, các lệnh cấm xuất khẩu lương thực và sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường,... ) và Indonesia (dầu cọ) khiến đà tăng giá càng được đẩy mạnh hơn.
Các chuyên gia dự báo gạo có thể sẽ là mặt hàng tiếp theo bước vào cơn sốt giá. “Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong thời gian tới vì giá lúa mì tăng có thể dẫn tới việc dùng gạo để thay thế một phần, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ gạo và gây giảm lượng dự trữ hiện có”, Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Nhật Bản Nomura, lưu ý.
Trước diễn biến liên quan đến thị trường gạo, ngày 6/6, Reuters dẫn nguồn tin nội bộ cho biết các thương lái gạo đã tăng mua gạo Ấn Độ trong hai tuần liên tiếp. Động thái này nhiều khả năng sẽ đẩy giá mặt hàng gạo ở nước này tăng thêm.
David Laborde - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, nhận định, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo như họ đã làm với lúa mì và đường.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết Ấn Độ và Trung Quốc là 2 nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 5 còn Thái Lan đứng thứ 6 trong danh sách này. Tuy nhiên, trong năm 2021, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới còn Việt Nam đứng thứ 2.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 710.371 tấn, trị giá 347,1 triệu USD - mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây, tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá. Tính đến hết 5 tháng năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, thu về 1,35 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 489 USD/tấn.
Gạo cũng là một trong 9 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp tính từ đầu năm đến nay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - cho biết, diện tích lúa ở nước ta lên tới 7,3 triệu ha, sản lượng khoảng 43 triệu tấn lúa (26-28 triệu tấn gạo). Với nguồn cung trên, ngoài đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, nước ta còn dư khoảng 6-7 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
“Hoạt động sản xuất đang diễn ra thuận lợi. Nếu không có tác động bất ngờ nào như thiên tai thì chúng ta luôn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực”, ông Cường khẳng định.
Theo ông, Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn, luôn chủ động được nguồn cung nên giá gạo tại thị trường nội địa sẽ không tăng đột biến như giá lương thực trên thị trường thế giới.
Còn về xuất khẩu gạo, ông Cường cho rằng, nếu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, nguồn cung thế giới sẽ bị ảnh hưởng, lúc đó giá gạo sẽ có sự điều chỉnh. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu với giá tốt hơn thời điểm hiện tại.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định và khá lạc quan. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn và gạo 100% tấm ổn định ở mức 378 USD/tấn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đánh giá, xuất khẩu gạo đang rất sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
Tính toán từ Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 ước đạt trên 6,4 triệu tấn, cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021.
Theo Tâm An (VietNamNet)