Thông báo của Công ty CP Con Cưng (Con Cưng) khẳng định: “Con Cưng đã và đang nỗ lực mang tới những sản phẩm có chất lượng tốt, hướng tới sự hài lòng của bố mẹ và nụ cười trong trẻo của bé thơ”.
Đính kèm thông báo này, doanh nghiệp đưa ra nhiều giấy tờ, bằng chứng từ các thương hiệu, nhãn hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh, xác nhận Con Cưng là công ty phân phối, bán hàng của đơn vị.
Danh sách cập nhật các thương hiệu xác nhận mà Con Cưng đưa ra gồm 3 nhóm hàng, là tã, sữa, thực phẩm; nhóm đồ dùng và nhóm hóa mỹ phẩm.
Ở nhóm tã, sữa và thực phẩm, có 26 thương hiệu xác nhận Con Cưng là công ty phân phối và bán hàng chính hãng của họ. Các đơn vị điển hình như Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Mead Johnson Nutrition VN, Friso, Dutch Lady, Morigana, Goon, Goon Friend, Chuchubaby...
Thương hiệu sữa Meiji khiến nhiều người nghi ngờ về nguồn gốc thời gian qua cũng lên tiếng. Giám đốc Công ty CP Sóng Thần Hà Nội, đơn vị nhập khẩu, xác nhận Con Cưng là đơn vị phân phối chính hãng các sản do công ty này cung cấp, gồm: thực phẩm bổ sung dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú Meiji Mama Milk, sản phẩm dinh dưỡng công thức Meiji cho trẻ 0-12 tháng và 1-3 tuổi.
Ở nhóm sản phẩm là đồ dùng, Con Cưng cung cấp giấy xác nhận của 3 thương hiệu Dr Brown's, Pigeon và Spectra. Nhóm hóa mỹ phẩm, các thương hiệu D-nee, Greenfinger và Johnson Baby cũng đã xác nhận đang cung ứng hàng chính hãng cho Con Cưng.
Sau những nghi vấn về việc bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày 28/7, Con Cưng bất ngờ phát thông báo tặng 1 tỷ đồng cho người đầu tiên phát hiện công ty này nhập hàng không chính hãng.
Sự việc này khiến nhiều người cho đây là hành động thách thức khách hàng. Ngày 30/7, khi đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương công bố quyết định kiểm tra doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Con Cưng, khi trả lời thắc mắc về giải thưởng, đã khẳng định đây chỉ là cam kết doanh nghiệp đưa ra, để nhấn mạnh việc kinh doanh không lừa dối khách hàng, cam kết niềm tin với khách hàng.
Tuy nhiên sau đó, Con Cưng lại có văn bản gửi các bên liên quan, xin rút giải thưởng 1 tỷ đồng, với giải thích việc treo thưởng không phù hợp trong bối cảnh đoàn kiểm tra đến làm việc.
Ngày 31/7, tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) công bố kết luận ban đầu và chỉ ra 7 sai phạm của Con Cưng.
Một là, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng tại thời điểm kiểm tra các cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Hai là, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi sản xuất trong nước “Made in VietNam” nhưng ngôn ngữ trình bày về xuất xứ của hàng hóa không phải bằng tiếng Việt.
Ba là, kinh doanh hàng hóa mà sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm.
Bốn là, kinh doanh hàng hóa là túi nylon đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ của hàng hóa.
Năm là, có dấu hiệu là kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành.
Sáu là, kinh doanh nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định.
Bảy là, các cửa hàng đang thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan theo quy định, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khuyến mại.
Kết luận này từ việc một khách hàng tại TP.HCM tố sản phẩm quần áo mua tại một cửa hàng thuộc hệ thống này có dấu hiệu cắt nhãn mác, cơ quan quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra 88 điểm kinh doanh của Con Cưng tại TP.HCM.
Tuy nhiên, tại thời điểm thông báo, đại diện Con Cưng khẳng định doanh nghiệp chưa nhận được kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)