Dự báo của Oceana cho thấy rằng vào năm 2030, sản phẩm của Coca-Cola sẽ góp phần thải ra khoảng 602 triệu kg nhựa vào các vùng biển và hệ thống nước trên toàn thế giới mỗi năm.
Greenpeace đã chỉ trích Coca-Cola vì sự phụ thuộc dai dẳng vào nhựa dùng một lần cũng như mối liên hệ mật thiết của hãng này với các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch - ngành sản xuất nhựa chủ yếu từ dầu mỏ. Những lời chỉ trích này đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nơi người tiêu dùng chia sẻ các thống kê đáng báo động và kêu gọi cộng đồng tẩy chay sản phẩm của Coca-Cola.
Ô nhiễm nhựa không còn là câu chuyện xa vời. Khi các chai nhựa phân hủy, chúng tạo ra vi nhựa - những hạt nhỏ li ti có thể xâm nhập vào thực phẩm và nguồn nước uống của con người. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện vi nhựa trong máu, phổi, dịch buồng trứng và thậm chí là nhau thai của con người, đặt ra mối đe dọa tiềm tàng cho sức khỏe toàn cầu.
Trước áp lực gia tăng từ dư luận và các tổ chức môi trường, Coca-Cola cho biết đã triển khai một số sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hãng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế và cam kết đến năm 2030 sẽ "thu gom và tái chế số lượng chai tương đương với những gì họ bán ra".
Ngoài ra, Coca-Cola cũng đã thử nghiệm việc gắn nắp chai liền với thân chai tại một số thị trường để giảm tình trạng nắp chai bị vứt bừa bãi - một bước đi nhỏ nhưng được đánh giá là có ý nghĩa.
Tuy vậy, giới phê bình cho rằng những nỗ lực này chưa đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi thực sự, đặc biệt khi doanh số bán ra hàng chục tỷ chai nhựa mỗi năm vẫn không ngừng tăng.
Giới bảo vệ môi trường cảnh báo, nếu không hành động quyết liệt và minh bạch hơn, Coca-Cola có thể sẽ phải trả giá bằng chính niềm tin và túi tiền của người tiêu dùng - thứ vốn dĩ là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp.
Theo TH (SHTT)