Đầu tư tài chính là một kênh sinh lời mà nhiều người lựa chọn để “tiền đẻ ra tiền”. Tuy nhiên, nhà đầu tư đừng quên lợi nhuận luôn đi cùng rủi ro.
Đầu tư tài chính là gì?
Đầu tư tài chính là hoạt động dùng tiền vốn để đầu tư, thu mua các công cụ tài chính như: Chứng khoán, trái phiếu, tín phiếu kho bạc,… nhằm mục đích thu lời khi bán ra. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính còn là hoạt động bỏ vốn vào các doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn liên doanh hoặc mua cổ phần với tư cách là một thành viên tham gia quản lý và điều hành công ty liên doanh, công ty cổ phần nhằm chia sẻ lợi ích cũng như trách nhiệm với các doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư tài chính thường chỉ nhắm vào mục đích mua và bán chứ ít khi có ý định làm tăng giá trị thực của công ty mà họ đầu tư vào.
Căn cứ vào mục đích và thời hạn, đầu tư tài chính được chia làm 2 loại: Đầu tư ngắn hạn và đầu tư dài hạn.
Đầu tư tài chính ngắn hạn là hình thức đầu tư vào các loại cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi,.. hoặc góp vốn liên doanh bằng tiền, hiện vật với thời gian thu hồi vốn, luân chuyển dòng tiền và có được lợi nhuận 1 cách nhanh chóng. Đầu tư tài chính dài hạn là hình thức bỏ vốn trong hiện tại nhằm mục đích thu được những lợi ích lâu dài trong tương lai.
Các kênh đầu tư tài chính phổ biến tại Việt Nam
Chứng khoán: Đầu tư vào cổ phiếu có nghĩa bạn chính là một trong số những chủ sở hữu của doanh nghiệp đó. Có 2 hình thức kiếm lời từ cổ phiếu đó là: Nhận cổ tức của công ty hoặc tiền chênh lệch giá cổ phiếu so với lúc mua.
Mua vàng: Giá trị của vàng tuy có biến động cao do nền kinh tế. Nhưng về cơ bản thì giá trị của vàng không thay đổi và sẽ tăng trong tương lai.
Bất động sản: Nếu bạn có tiềm lực tốt thì bất động sản là kênh đầu tư an toàn và có khả năng sinh lời cao.
Gửi tiết kiệm ngân hàng: Hình thức an toàn nhất đối với những ai không có nhiều tự tin vào kiến thức tài chính kinh tế. Đổi lại sự an toàn mà chúng ta nhận được thì nó cho ta một lãi suất thấp.
Các loại rủi ro tài chính thường gặp
Rủi ro tín dụng: Xuất hiện khi tiềm lực tài chính của công ty suy giảm, các khoản đầu tư mất đi giá trị dẫn đến rủi ro vỡ nợ. Lúc này sự suy yếu về tài chính làm cho công ty không còn đủ khả năng thanh toán lãi suất cho cổ đông dẫn đến vỡ nợ và sụp đổ.
Rủi ro lãi suất: Nguyên nhân gây ra rủi ro lãi suất chính là điều kiện kinh tế. Khi Chính phủ xác định nền kinh tế chạm mức lạm phát, các chính sách tiền tệ sẽ được thiết lập 1 cách chặt chẽ. Lúc này, việc loại bỏ đồng tiền ra khỏi hệ thống (hút ròng) và tăng lãi suất sẽ được áp dụng. Lãi suất cao làm cho giá trị thị trường của công cụ tài chính giảm đi.
Rủi ro thị trường: Rủi ro thị trường xảy ra khi có những thay đổi trong nền kinh tế. Báo cáo thu nhập của các công ty sẽ ảnh hưởng đến giá trị của các khoản đầu tư. Các nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng rất dễ bị tác động bởi rủi ro thị trường.
Rủi ro thanh khoản: Là khi nhà đầu tư gặp khó khăn khi bán/chuyển đổi 1 tài sản tài chính nào đó thành tiền mặt. Ví dụ, nhà đầu tư chứng khoán sẽ gặp rủi ro thanh khoản nếu khó mua bán cổ phiếu với các cá nhân khác; mua phải cổ phiếu được phát hành chui, các loại cổ phiếu bị hạn chế giao dịch và ít người quan tâm đến; công ty bạn đầu tư vào bị đồn đại là đang trên bờ vực phá sản làm ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu,… Như vậy, rủi ro thanh khoản phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu và khả năng giao dịch cổ phiếu.
Theo Minh An (Lao Động)