Gửi ngân hàng từ lâu đã được xem là kênh đầu tư an toàn và ổn định nhất trong các loại hình phổ biến nhưng mức lãi suất lại không cao. Tuy nhiên, việc các ngân hàng đang gặp khó về thanh khoản đã giúp mức lãi suất huy động tăng mạnh, cao nhất hiện đã lên tới 8,6%/năm.
Gửi tiết kiệm ngân hàng
Ngân hàng đưa ra mức lãi suất gửi tiền cao nhất hiện nay có mức lãi 8,6%/năm ở các kỳ hạn trên 24 tháng. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cá nhân cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đối với hoạt động gửi tiền ngân hàng.
Với các gói kỳ hạn trên 1 năm, mức lãi suất tại ngân hàng này hiện cũng đạt trên 8-8,5%/năm, cao hơn so với mặt bằng trung của ngành ngân hàng là 7%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng cỡ lớn với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng lại đưa ra mức lãi suất thấp hơn nhưng vẫn dao động trong khoảng 6,8-7,2%/năm.
Ưu điểm của gửi tiền ngân hàng chính là độ an toàn và ổn định, khi mức lãi suất luôn được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả khoản tiền gửi của người dân vào các ngân hàng cũng đều được bảo vệ không chỉ bởi chính ngân hàng thương mại đó mà còn bởi hàng loạt các quy định về an toàn tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với hệ thống ngân hàng.
Từng chia sẻ tại tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng cho biết nếu có tiền, đem gửi ngân hàng hưởng lãi suất là an toàn nhất. Cũng tại cuộc tọa đàm này, PGS.TS. Ngô Trí Long cũng cho biết không có gì an toàn hơn là gửi tiết kiệm.
Đầu tư ngoại tệ, vàng?
Từng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Alwaleed Fareed Alatanani, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra một nghiên cứu cho rằng, hiện có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân ở Việt Nam. Con số này bao gồm các loại tài sản như tiền Việt, ngoại tệ, vàng…
Thực tế, bên cạnh gửi ngân hàng, rất nhiều người dân hiện nay vẫn giữ thói quen tích trữ vàng hoặc ngoại tệ và xem đây như là một kênh đầu tư thay thế cho việc gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư bằng việc dự trữ ngoại tê USD hay EURO lại tồn tại nhiều hạn chế về lợi nhuận.
Cụ thể, trong bối cảnh tiền gửi tiết kiệm bằng USD bị NHNN áp dụng mức lãi suất 0%, nguồn lợi nhuận đến từ ngoại tệ chính là chênh lệch tỷ giá qua từng năm.
Trong một năm qua, tỷ giá quy đổi USD sang tiền Việt vào khoảng dương 3%, hiện tỷ giá ngoại tệ này ở mức 1 USD quy đổi 23.300 đồng.
Đối với hoạt động tích trữ USD của cá nhân, một yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận ngoại tệ này mang lại chính là lạm phát tại các thị trường. Việc lạm phát tại Việt Nam cao hơn Mỹ có thể giúp lợi nhuận từ đồng tiền này tăng lên.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, NHNN đang thực hiện các chính sách để kiểm soát lạm phát rất tốt, dự kiến ở mức dưới 4% trong năm nay, cho dù lạm phát tại Mỹ là 0% thì lợi nhuận từ ngoại tệ này cũng không thể vượt quá 7%/năm, thấp hơn rất nhiều so với gửi ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc trao đổi ngoại tệ tại thị trường Việt tương đối khó khăn khi chỉ ngân hàng và một số tổ chức tín dụng được cấp phép với có quyền mua, bán ngoại tệ theo tỷ giá niêm yết của NHNN. Việc mua USD từ các tổ chức hợp pháp thường phải có giấy tờ chứng minh nhu cầu sử dụng thích đáng, không bao gồm mục đích đầu tư. Trong khi việc mua, bán USD trên thị trường tự do là hoạt động phạm pháp và sẽ bị xử phạt rất nặng.
Với hoạt động đầu tư vàng, năm 2017, giá vàng đã tăng 13,5% (theo giá USD) mạnh nhất kể từ năm 2010, vượt xa mức tăng của nhiều loại tài sản đầu tư khác. Tính theo tiền Đồng, mức tăng của tài sản này là 12% năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, giá vàng trong nước và quốc tế đang có dấu hiệu chững lại và giữ chiều hướng đi xuống.
Việc đầu tư ngoại tệ và vàng luôn đi kèm yếu tố thị trường khi các loại tài sản này chịu ảnh hưởng nhiều từ nền kinh tế trong và ngoài nước và không có tính ổn định.
Đầu tư chứng khoán
Chứng khoán được nhiều chuyên gia đánh giá là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong năm 2017 và đầu 2018 với mức lợi nhuận lên tới gần 50% cho giai đoạn này. Thậm chí, giai đoạn thăng hoa của thị trường hồi tháng 4, mức lợi nhuận từ hoạt động này có thể lên tới 60%.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro lớn khi chứng khoán là kênh đầu tư thiếu ổn định nhất trong các loại hình khi thay đổi tăng giảm qua từng phiên, ngày. Trong hơn 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán chứng kiến không ít những lần lên xuống thất thường, không được dự báo trước.
Trong khi tăng mạnh giai đoạn 2017 và đầu 2018, thì từ giữa năm đến nay, chứng khoán trong và ngoài nước liên tục trồi sụt, chủ yếu giữ xu hướng giảm. Tính từ mức đỉnh hồi tháng 4, thị trường chứng khoán Việt đã giảm trên 20% giá trị.
Tuy nhiên, mức chung của thị trường vẫn tiềm ẩn những cơ hội đầu tư rất hiệu quả với nhiều cổ phiếu doanh nghiệp tăng giá rất mạnh. TS Bùi Quang Tín cho rằng nếu coi chứng khoán là một kênh đầu tư, người tham gia cần có kiến thức vững về các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với môi trường thiếu thông tin như thị trường Việt Nam, việc đầu tư chứng khoán với mỗi cá nhân là rất khó khăn để có lợi nhuận từ thị trường này.
Đầu tư bất động sản
Bất động sản là kênh rót tiền ưa thích của số đông, tuy nhiên, loại hình này yêu cầu số vốn tương đối lớn và nhà đầu tư cần bảo toàn dòng tiền trước khi tính đến lợi nhuận.
Theo một số chuyên gia, từ trước đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam rất ít thông tin chính xác, nhân tố quyết định đến việc lời hay lỗ của hoạt động đầu tư này. Bất kỳ thông tin nào liên quan tới một dự án đều rất khó để kiếm chứng, việc thiếu thông tin chính xác rất nguy hiểm cho thị trường, chưa kể tính biến động, thiếu ổn định tại thị trường Việt Nam.
Lời khuyên của các chuyên gia là trước khi đưa ra quyết định đầu tư, người mua nhà cần theo dõi thường xuyên tình hình biến động của thị trường, tích lũy chu kỳ của thị trường từng năm và thông qua những văn bản pháp luật liên quan. Thực tế nhiều năm cho thấy thị trường bất động sản Việt có liên hệ rất chặt chẽ với chu kỳ tín dụng của nền kinh tế.
Quan trọng nhất là việc “chọn mặt gửi vàng”, tìm các chủ đầu tư có thương hiệu uy tín, công khai thông tin dự án minh bạch.
Theo khảo sát, với hoạt động cho thuê tại thị trường Hà Nội, mức lợi tức một năm trên giá căn nhà chỉ rơi vào khoảng 3-5%/năm; hay như với phân khúc nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư cũng cam kết lợi nhuận là 10%/năm trong những năm đầu, thậm chí cao nhất lên tới 12-15%/năm.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)