Hơn 641 triệu cổ phiếu Sabeco được giao dịch trong phiên lên sàn đầu tiên. Vốn hoá doanh nghiệp đạt 3,68 tỷ USD, xếp sau Vinamilk, PVGas, Vietcombank và Vingroup.
Theo đó, trong phiên sáng nay, 641,28 triệu cổ phiếu SAB được giao dịch. Mức giá tham chiếu là 110.000 đồng/cổ phiếu.
Ngay từ thời điểm mở cửa giao dịch lúc 9h, cổ phiếu SAB nhanh chóng được các nhà đầu tư đua lệnh với khối lượng lớn, trong đó có lệnh ATO mua 3,7 triệu cổ phiếu SAB bằng mọi giá và lệnh mua giá trần 3,5 triệu. Như vậy, tổng khối lượng đặt mua đã lớn hơn 6,53 triệu cổ phiếu mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước nắm giữ.
Cơ cấu cổ đông cô đặc nên thanh khoản của cổ phiếu SAB rất ít. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, hơn 3.000 cổ phiếu được khớp lệnh ở mức giá trần là 132.000 đồng/cổ phiếu và vẫn còn hơn 6 triệu cổ dư mua giá trần.
Theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, biên độ giá trong phiên giao dịch đầu tiên là +- 20%. Vì vậy, SAB đã tăng hết biên độ từ mức giá 110.000 đồng lên 132.000 đồng/cổ phiếu.
Tại mức giá này, vốn hóa Sabeco đạt 84.649 tỷ đồng, tương ứng 3,68 tỷ USD và là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường, xếp sau Vinamilk, PVGas, Vietcombank và Vingroup.
Trước đó, ngày 5/12, khi SAB chưa lên sàn, các nhà đầu tư sẵn sàng mua bán với mức giá 168.000 đồng/cổ phiếu trên sàn OTC. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) định giá 156.000 đồng/cổ phiếu SAB.
Trong phiên chào sàn, giá cổ phiếu "anh cả" tăng nhưng các cổ phiếu ngành bia khác lại giảm giá. BHN của Habeco giảm giá 5.000 đồng xuống còn 109.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 5%. Các cổ phiếu WSB, HAT, SCD, SMB,… đều giảm giá mạnh.
Giới chuyên gia đánh giá, việc giảm giá của các cổ phiếu trên có thể đến từ áp lực chốt lời do đã “ăn theo” làn sóng lên sàn của Habeco và Sabeco mà tăng hàng chục phần trăm trong thời gian gần đây.
VN-Index giảm hơn 5 điểm trong phiên Sabeco chào sàn. Ảnh: P.Diệp |
Trong buổi sáng, lực bán ra vẫn diễn ra trên diện rộng, đặc biệt các cổ phiếu blue chips. Trong rổ chỉ số VN30 của 30 mã vốn hóa lớn nhất thì chỉ có BVH, MSN, PVD và FPT giữ được sắc xanh. Một số cổ phiếu khác đáng chú ý là cổ phiếu ROS của CTCP Faros giảm mạnh 6% xuống còn 111.000 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 5,39 điểm xuống còn 654,8 điểm, tương ứng mức giảm 0,81%. HNX-Index giảm 0,38 điểm, tương đương mức giảm 0,47% xuống còn 80,09 điểm.
Trao đổi với PV, một chuyên viên phân tích chứng khoán cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng giảm điểm trong thời gian vừa qua do các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng kể từ giữa tháng 11 tới nay.
Việc khối ngoại bán ròng liên tiếp trong có thể đến từ dự đoán là rất nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 12 khiến dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi.
Một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng có thể đã chốt lời các cổ phiếu trên sàn niêm yết để chuẩn bị chuyển hướng đầu tư vào một số doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị IPO, thoái vốn hoặc lên sàn vào năm 2017 như Sabeco, ACV, Novaland, Petrolimex..
Ngoài ra, tỷ giá trong nước liên tục leo thang trong những ngày gần đây khiến các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn ra để để bảo toàn lợi nhuận và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo của thị trường.
Theo Phương Diệp (Zing.vn)