Sáng 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chủ trì hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 là gần 1.200 doanh nghiệp tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường còn nhiều nút thắt vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn…
Ngóng tin hội nghị, mở cửa phiên sáng 17/2, nhóm cổ phiếu bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng diễn biến kém tích cực. Cổ phiếu Vingroup (VIC) giảm 900 đồng xuống 52.500 đồng/cp; Vinhomes (VHM) có lúc ở mức giá tham chiếu; trong khi Vincom Retail (VRE) giảm 400 đồng xuống 28.000 đồng/cp.
Cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn, Nhà Khang Điền (KDH), Đất Xanh (DXG), Hải Phát (HPX), DIC Corp. (DIG)… tăng nhẹ. Trong khi đó, Bất động sản Phát Đạt (PDR) lúc tăng lúc giảm.
Thị trường chung có xu hướng đi ngang. Chỉ số VN-Index cũng lúc tăng, lúc giảm, quanh ngưỡng 1.058 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhưng số mã tăng điểm nhẹ hoặc đi ngang có xu hướng nhiều hơn số mã giảm.
Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Thủ tướng nêu rõ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi trong một bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát trên thế giới….
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản, nhưng đã và đang tìm cách xử lý.
Trước đó, Bộ Xây dựng có đánh giá cho rằng, hiện nay, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ.
Bộ Xây dựng đề xuất kiến nghị 6 giải pháp: Hoàn thiện thể chế; Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; Giải pháp về nguồn vốn tín dụng nới trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; Giải pháp về nguồn vốn trái phiếu; Tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương; Kiểm soát, kiểm duyệt thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chờ đợi Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ với nội dung đáng chú ý là đề xuất cho phép doanh nghiệp được đàm phán thay đổi kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu thêm 2 năm và có thể thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.
Một nội dung cũng khá quan trọng trong Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là: ngưng hiệu lực thi hành đối với một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12. Trong đó, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án. Phương án một, tạm ngưng thực hiện quy định này đến hết ngày 31/12 và thực hiện lại từ ngày 1/1/2024. Phương án hai là vẫn tiếp tục thực hiện quy định của Nghị định 65.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)