Ngày 14-2, Người lao động đưa tin, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) từ ngày 20-2.
Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Việc hủy niêm yết với cổ phiếu FLC, theo HoSE, là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Ngay khi biết được thông tin cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 20-2, nhiều nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu này tỏ ra hết sức hoang mang, lo lắng.
Nhà đầu tư có mất trắng khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?
Cổ phiếu tại Việt Nam có thể được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường của những công ty đại chúng chưa niêm yết (Unlisted Public Company Market, viết tắt là UPCoM). Hệ thống UPCoM cũng do HNX quản lý.
Các cổ phiếu ở HOSE, HNX và UPCoM có thể được giao dịch dễ dàng. Nhà đầu tư thường chỉ cần dùng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone) để truy cập vào hệ thống của công ty chứng khoán nơi mình mở tài khoản là có thể nhập lệnh mua bán cổ phiếu.
Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE và HNX, mã cổ phiếu đó sẽ biến mất khỏi bảng giá của các công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư không mất trắng, quyền sở hữu của nhà đầu tư với cổ phiếu luôn được bảo đảm.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa cổ phiếu đang niêm yết và cổ phiếu bị hủy niêm yết là mức độ dễ dàng trong thực hiện giao dịch.
Nếu không mất trắng, nhà đầu tư bị ảnh hưởng gì?
VTC News dẫn lời luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty luật TNHH Phúc Khánh Hưng, cho biết với cổ phiếu đang được sở hữu thông qua công ty chứng khoán FLC thì nhà đầu tư vẫn là cổ đông của công ty. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông của công ty.
"Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được", luật sư Nguyễn Hưng nói.
Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ khiến cho nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc giao dịch. Thay vì chỉ cần gõ phím trên máy tính hay điện thoại, nhà đầu tư sẽ phải liên hệ trực tiếp với các nhà đầu tư khác có nhu cầu ăn khớp với mình để giao dịch.
Người muốn bán cổ phiếu sẽ phải đi tìm người muốn mua (thông qua các hội nhóm, mạng xã hội, người quen, …) và người muốn mua cổ phiếu phải tìm người muốn bán, hai bên liên lạc với nhau rồi đàm phán giá cả và khối lượng giao dịch. Nếu không thể thống nhất, hai bên sẽ lại phải đi tìm đối tác khác để mua bán.
Vì hoạt động giao dịch có nhiều trở ngại, thanh khoản thấp, cổ phiếu bị hủy niêm yết thường kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn và do vậy có giá thấp hơn so với cổ phiếu đang niêm yết.
Nói cách khác, cổ đông không mất trắng khi cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn bán để lấy tiền mặt, giá bán cũng bị ảnh hưởng.
Cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết, nhà đầu tư phải làm sao?
Trong trường hợp của các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết, nhà đầu tư cần liên hệ với công ty chủ quản ở đây là FLC, để xác định được cổ phiếu sẽ xử lý theo dạng nào. Thông thường, có hai dạng bao gồm Chuyển cổ phiếu xuống sàn Upcom hoặc Cổ phiếu không chuyển sàn, thông tin trên Vnreview.
Đối với cổ phiếu chuyển xuống sàn Upcom, các nhà đầu tư tiếp tục giao dịch cổ phiếu bình thường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần theo dõi, bám sát mọi thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp đó để nhận ra các dấu hiệu thay đổi có vấn đề.
Đối với cổ phiếu không chuyển sàn, có nghĩa là không được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đối với cổ phiếu. này thì mọi người hãy liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp lại sổ và xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc bán dưới dạng thương lượng thoả thuận với người khác.
Hủy niêm yết và thủ tục chuyển sang sàn UPCoM
Theo Pháp Luật TP.HCM, một cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán có thể bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc tự nguyện. Theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, có 14 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Đó là khi doanh nghiệp bị hủy tư cách công ty đại chúng; ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 1 năm trở lên; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động chuyên ngành; doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Ngoài ra, cổ phiếu cũng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu cổ phiếu ấy không có giao dịch trên sàn trong 12 tháng liên tục, hoặc doanh nghiệp không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận niêm yết…
Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp cũng có thể tự nguyện hủy niêm yết việc này được đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua cùng với sự ủng hộ của trên 50% số phiếu biểu quyết từ các cổ đông nhỏ - tức những người sở hữu dưới 5% vốn điều lệ công ty. Tuy nhiên, việc hủy niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện ít nhất là 2 năm sau khi niêm yết.
Trong trường hợp FLC, việc chuyển sang sàn UPCoM sau khi bị hủy niêm yết sẽ cần một số thủ tục. Đầu tiên là 7 ngày kể từ ngày 20-2, HoSE sẽ phối hợp với Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu FLC. Tiếp đó là chờ quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị đang vận hành sàn UPCoM.
Có thể được liên tưởng tới trường hợp cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros, thuộc hệ sinh thái FLC. Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE từ ngày 5-9-2022, VSDC đã có thông báo thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ HoSE sang UPCoM. Tuy nhiên, đến nay, HNX chưa có thông báo về việc chấp thuận đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu này.
Bài học cho nhà đầu tư
Như đã nói, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết không có nghĩa là nhà đầu tư mất hết. Thậm chí, nếu doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh và đưa cổ phiếu quay lại niêm yết, các “cổ đông dài hạn bất đắc dĩ” còn có khả năng hưởng lợi. Tuy nhiên, rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu bị hủy niêm yết là không thể xem nhẹ và nhà đầu tư cần thận trọng xem xét để tránh những mất mát không đáng có.
Những doanh nghiệp có vấn đề về quản trị và tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư thường có một số biểu hiện đặc trưng như: thường xuyên thay đổi nhân sự trong bộ phận kế toán và kiểm toán nội bộ, liên tục thay đổi công ty kiểm toán độc lập, thường xuyên thay lãnh đạo cấp cao, số liệu trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán hay có chênh lệch lớn, vướng vào các vụ án nghiêm trọng, ….
Việc hủy niêm yết cũng không diễn ra đột ngột mà có rất nhiều cảnh báo trước. Ví dụ trong trường hợp của FLC hay ROS, Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE đã nhiều lần ra công văn nhắc nhở việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, doanh nghiệp phải nhiều lần giải trình. Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, sau đó là diện kiểm soát, rồi kiểm soát đặc biệt, sau đó mới bị đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết.
Những nhà đầu tư thận trọng có nhiều thời gian và cơ hội để thoát khỏi các cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết và không bị mắc kẹt.
PN (Nguoiduatin.vn)