Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, 27/2, đa số cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tiếp tục giảm giá, qua đó kéo chỉ số VN-Index xuống mạnh, có lúc giảm 20 điểm xuống ngưỡng 1.020 điểm.
Tới 9h36 sáng 27/2, tất cả cổ phiếu trụ cột thuộc nhóm VN30 đều giảm giá. Trong đó, Vietcombank (VCB) giảm 1.400 đồng, xuống 92.100 đồng/cp; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm 600 đồng, xuống 26.750 đồng/cp; BIDV (BID) giảm 600 đồng, xuống 44.000 đồng/cp...
Nhóm bất động sản tiếp tục đà suy giảm. Cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn giảm 200 đồng xuống mức 11.200 đồng/cp. Bất động sản Phát Đạt (PDR) giảm 300 đồng xuống 10.250 đồng/cp.
Các cổ phiếu chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí,... đều giảm điểm.
Nhóm bán lẻ, tiêu dùng,... cũng không thoát khỏi cảnh bị bán trên diện rộng.
Chứng khoán giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong hơn 2 tuần qua sau một thời gian khoảng 3 tháng mua ròng mạnh liên tiếp.
Khối ngoại bán ròng cổ phiếu Việt trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng khá nhanh trở lại theo đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế. Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank đã lên ngưỡng 24.000 đồng/USD (giá ngân hàng bán ra).
Giới đầu tư lo ngại khối ngoại có thể còn bán mạnh giữa lúc có nhiều dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa thể nhẹ tay với chính sách tiền tệ, khi lạm phát vẫn ở mức cao và có nguy cơ tăng trở lại. Thế giới chứng kiến lạm phát tăng nhanh ở nhiều nước, trong đó có khu vực châu Âu.
Gần đây, một số dự báo cho rằng, Fed có thể trở lại với mức tăng lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 này, thay vì mức tăng 25 điểm phần trăm như kỳ vọng.
Sau 8 lần tăng lãi suất kể từ 2022 tới nay, lãi suất chuẩn của Mỹ (FFR) đang ở mức 4,5-4,75%/năm. Dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất trong hai cuộc họp tới, đỉnh lãi suất có thể lên trên mức 5,3%/năm vào giữa năm 2023.
Điều đáng lo ngại là lãi suất của Mỹ có thể được duy trì ở mức cao và những tín hiệu thị trường gần đây cho thấy FFR chỉ có thể hạ từ đầu năm 2024, thay vì kỳ vọng giảm từ nửa cuối năm 2023.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, đồng USD có thể quay trở lại tăng mạnh so với nhiều đồng tiền, trong đó có VND của Việt Nam. Dòng tiền có thể lại bị rút về Mỹ, qua đó ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán nhiều nước.
Tại Việt Nam, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cấp tập hút tiền về, phát hành tổng cộng hơn 140 nghìn tỷ đồng tín phiếu, trong khi chỉ có 80 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
NHNN hút tiền với mức lãi suất tăng mạnh từ 4-5%/năm hồi giữa tháng 2 lên mức 6%/năm như hiện tại. Điều đó cho thấy, nỗ lực hút tiền của NHNN trong bối cảnh tỷ giá USD/VND. Kiểm soát lạm phát và giữ ổn định tỷ giá là mục tiêu hàng đầu của NHNN.
Gần đây, lãi suất huy động và cho vay ở một số ngân hàng đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại tình trạng thu hẹp sản xuất, co lại hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Nhu cầu vay vốn do đó giảm xuống.
Theo VNDirect, thị trường có dấu hiệu thận trong khi rủi ro ngắn hạn đang gia tăng. Diễn biến kém tích cực của thị trường đến từ lo ngại nợ xấu gia tăng liên quan tới một số doanh nghiệp bất động sản lớn.
Trong tuần mới, VN-Index có thể kiểm định lại đáy ngắn hạn quanh 1.030-1.035 điểm vào đầu tuần. Chỉ số này có thể điều chỉnh sâu hơn về vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm.
Tuy nhiền, về dài hạn, chứng khoán được dự báo tích cực. CIO của một quỹ đầu tư tại Việt Nam cho rằng, khó khăn chỉ là ngắn hạn, triển vọng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất tốt. Các tổ chức và quỹ đầu tư vẫn kiếm lợi nhuận lâu dài.
Với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm, một quỹ 70 triệu USD cũng sẽ có quy mô 1 tỷ USD trong vòng 10 năm. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao và thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo ở trước ngưỡng của một thập kỷ phát triển bùng nổ. Dragon Capital đầu tư ở Việt Nam những năm 90 bắt đầu với 500.000 USD, giờ đã hơn 3 tỷ USD.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)