Tiếp tục tích cực trong tuần mới
Trong phiên giao dịch sáng 5/6, đa số các cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, qua đó kéo chỉ số VN-Index tăng thêm hơn 10 điểm và lần đầu tiên trong 6 tháng vượt lên trên ngưỡng 1.100 điểm.
Cụ thể, tới 10h20 sáng 5/6, VN-Index tăng 10,22 điểm lên trên 1.100 điểm. Tuần trước, chỉ số này đã vượt qua ngưỡng MA200 - tức là đường trung bình 200 phiên giao dịch. Đây là một chỉ báo kỹ thuật thông dụng để đo lường xu hướng dài hạn của cổ phiếu hoặc thị trường chứng khoán.
Sáng nay, nhiều cổ phiếu tăng khá mạnh, trong đó có Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; Masan (MSN) của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang; Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên; Sabeco (SAB) của người Thái…
Cụ thể, Vingroup (VIC) tăng 300 đồng lên 52.300 đồng/cp. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch tăng 300 đồng lên 21.900 đồng/cp. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 3.400 đồng lên 98.300 đồng/cp. Vietinbank (CTG) tăng 300 đồng lên 28.950 đồng/cp…
Cổ phiếu Vietcombank tăng mạnh sau thông tin ngân hàng chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ hơn 18%, tăng vốn lên trên 55.000 tỷ đồng. Khi đó Vietcombank sẽ vươn lên dẫn đầu nhóm Big4.
HĐQT Vietcombank phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020, dựa trên phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 ngày 21/4, Vietcombank cho biết, ngân hàng đang lựa chọn cổ đông nước ngoài cho kế hoạch phát hành riêng lẻ.
Còn theo Bloomberg và Reuters, Vietcombank sẽ bán khoảng 5% cổ phần, thông qua phát hành riêng lẻ và huy động ít nhất 600 triệu USD vốn mới để cạnh tranh với các đối thủ.
Trên thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản chững lại đôi chút trong phiên giao dịch đầu tuần mới 5/6, sau 1-2 tuần bứt phá dữ dội. Tuy nhiên, nhóm này vẫn đang hút dòng tiền.
Nhiều dự báo cho rằng, dòng tiền có thể sẽ dồn vào thị trường chứng khoán, trong đó có các mã cổ phiếu giảm sâu hơn năm qua như nhóm cổ phiếu bất động sản, tài chính, vật liệu xây dựng… trong bối cảnh một loạt các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước.
Sáng 5/6, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bứt phá sau thời gian dài tích lũy. Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán duy trì đà tăng ấn tượng trong bối cảnh thanh khoản thi trường hồi phục.
Thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong tuần giao dịch vừa qua khi nhà đầu tư trong nước giải ngân quyết liệt. Từ đó, VN-Index thoát khỏi trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp và hướng dần lên các vùng giá cao hơn trong thời gian tới.
Nổi sóng tuần qua, vượt ngưỡng MA200
Trong tuần qua, sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã góp phần dẫn dắt VN-Index khép lại tuần giao dịch rất tích cực.
Xu hướng lãi suất giảm đã có tác động tích cực tới diễn biến trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, trong tuần 29/5-2/6, thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện ấn tượng với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng mạnh 27,2% so với tuần trước lên mức 18.509 tỷ đồng/phiên.
Cùng với sự bùng nổ của thanh khoản, các chỉ số chứng khoán đã có sự bứt phá. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 2,6% trong tuần qua và tạm thời vượt đường xu hướng dài hạn MA200 để chốt tuần tại mức 1.090,8 điểm.
Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 2/2023. Đà tăng tích cực cũng lan tỏa sang sàn Hà Nội với chỉ số HNX-Index tăng mạnh 3,9% lên mức 226,0 điểm và chỉ số UPCOM-Index bật tăng 4,2% lên mức 84,0 điểm.
Điểm chưa có sự cải thiện trong tuần qua đó là động thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại với giá trị 1.185 tỷ đồng trên sàn HOSE (-50% so với tuần trước). Cùng với đó, khối ngoại mua ròng 8 tỷ đồng trên sàn HNX và bán ròng 103 tỷ đồng trên sàn UPCOM.
Thị trường bùng nổ về điểm số với sự đóng góp lớn đến từ nhóm ngân hàng. Nhiều cổ phiếu sau thời gian dài tích lũy đã chứng kiến đà tăng mạnh trong tuần vừa qua như VCB (+3,2%), TCB (+7,7%), MBB (+6,8%) và BID (+3,0%).
Ngành chứng khoán duy trì đà tăng ấn tượng trong bối cảnh thanh khoản thi trường hồi phục, tiêu biểu như VND (+14,7%), SSI (+6,9%), HCM (+3,8%). Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (-2,9%), GAS (-1,8%), VNM (-1,8%) và VRE (-2,2%) chứng kiến dòng tiền rút ra và điều chỉnh trong tuần qua.
Dự báo tích cực
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, khối phân tích Chứng khoán VNDirect, diễn biến giao dịch trên thị trường tuần qua càng khẳng định quan điểm rằng, dòng tiền trong nước đang dần quay trở lại thị trong bối cảnh lãi suất giảm.
Theo đó, chỉ số VN-Index đã đặt một chân qua mốc 1.080 điểm (tương ứng với đường xu hướng dài hạn MA200) với thanh khoản chạm mức 18.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Trong tuần mới, theo chuyên gia của VNDirect, chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm. Nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, thị trường sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang trước đó” sang “xu hướng tăng điểm”.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia Chứng khoán MB (MBS) ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, trong nhịp tăng từ 1.030 lên 1.090 điểm của VN-Index vừa qua, một số nhóm ngành tiếp tục hấp dẫn dòng tiền như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng.
Theo ông Tuấn, nhóm chứng khoán tăng giá trước và đã dừng lại nghỉ. Ngay lập tức nhóm bất động sản liền tiếp bước. Sau khi đà tăng giá của 2 nhóm này chững lại, nhóm ngân hàng đã vươn lên. Đồng thời, các nhịp tăng vừa qua của 3 nhóm cổ phiếu kể trên là cần thiết để thị trường có thể đi lên bền vững.
Với nhóm ngân hàng, trong những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành khá thấp, chỉ cao hơn thời điểm dịch Covid-19. Điều này chủ yếu do 2 vấn đề là quý I/2023 tăng trưởng kinh tế khá thấp, nhu cầu tín dụng không cao và lãi suất ở mức cao khiến cho việc triển khai tín dụng của các nhà băng có phần khó khăn.
Dù vậy, theo chuyên gia MBS, trong thời gian tới, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng vẫn là 14-15%. Do vậy, tín dụng có thể sẽ tăng trở lại ở quý 2,3,4 và sẽ không quá eo hẹp ở mức 3% như vừa qua.
Với khối ngoại, hoạt động bán ròng chưa kéo dài và các tổ chức nước ngoài vẫn có nhiều đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Petri Deryng - người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Theo ông Deryng, các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam vẫn có định giá hấp dẫn.
Dù vậy, vẫn cần xem xét với điều kiện thanh khoản cải thiện và môi trường lãi suất thấp hơn. Đây là hai yếu tố sẽ khuyến khích dòng tiền quay trở lại thị trường.
Trong khi đó, Vinacapital cũng tin tưởng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể khắc phục được tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Về tổng thể, các quỹ đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)