Chị Thùy có căn nhà 1 trệt 4 lầu, diện tích 5 x 16 m trong một con hẻm rộng trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP HCM, đang cho thuê 30 triệu đồng/tháng. Do bên thuê sắp hết hạn hợp đồng và không muốn ký tiếp, chị phân vân không biết có nên tự bỏ tiền đầu tư quán cà phê hay cho người khác thuê nhà.
Ông Trần Khải Minh Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban đào tạo Hiệp hội Ẩm thực TP HCM, cho rằng trước khi đầu tư kinh doanh nhà hàng hay quán cà phê, người làm kinh doanh phải trả lời được một số câu hỏi cơ bản về năng lực cốt lõi, khả năng tài chính và đối tượng khách hàng của mình là ai.
Theo ông Nhật, nếu một người đang có công việc bận rộn, không có áp lực tài chính cũng không muốn khẳng định bản thân mà chỉ vì có sẵn mặt bằng bỏ trống, thích mở quán cà phê thì không nên mạo hiểm.
Chuyên gia F&B này cho rằng ngoài năng lực quản lý, phát triển, thời gian dành cho quán thì ngành cà phê, ăn uống đang khủng hoảng thừa, cạnh tranh rất khốc liệt. Chưa kể, khách hàng hiện nay đã thay đổi rất nhiều, không phải mở cà phê là sẽ có khách lớn tuổi trung thành, mà thế hệ trẻ mới chính là những người quyết định thành công của ngành này.
Theo ông Nhật, trên thị trường hiện nay, nhất là ở TP HCM, "cuộc chiến" đang nghiên về cà phê có thương hiệu. Các "ông trùm" hiện làm cà phê với chi phí hàng chục tỉ đồng/quán. Họ làm cà phê chuỗi để khách hàng thấy sự hoành tráng, thể hiện doanh nghiệp có sứ mệnh, có văn hoá, có chứng thực của cộng đồng mới thu hút khách, còn không thì dễ bị "lọt thỏm", rồi thất bại nhiều hơn thành công.
Do đó, khi đã rõ khách hàng mục tiêu, người kinh doanh mới chuyển sang các bước tiếp theo là tìm vị trí tiềm năng. Đầu tiên hãy quan sát bán kính 500 m2 có bao nhiêu quán lớn, nhỏ, điểm mạnh, điểm yếu các quán. Bởi nếu các quán này đang gặp khó khăn thì không thể phát triển quán mới.
Về đầu tư, ông Nhận cho rằng với diện tích nhà của chị Thùy, chi phí đầu tư trang trí, trang thiết bị, bàn ghế, nguyên liệu cơ bản không dưới 500 triệu đồng. Đó là chi phí quán cà phê bình thường, không quá đầu tư. Với ít nhất 5-6 nhân viên/ngày 2 ca, thêm bảo vệ giữ xe, tạp vụ, chi phí điện nước cơ bản mỗi tháng phải có tầm 60-70 triệu đồng/tháng…, chị Thùy phải ước tính lượng khách xung quanh, khách vãng lai trong 3 tháng đầu thế nào? Mỗi ngày doanh thu là bao nhiêu? Kinh doanh bao lâu thì có lãi? Đây là bài toán cực kỳ khó giải.
"Chị Thùy hãy thử lên các nhóm sang nhượng, thanh lý quán cà phê hay các nhóm chủ quán cà phê sẽ thấy rất nhiều bài học. Tất cả những người thất bại đều phải trả giá và học được những bài học "xương máu" trước khi quyết định đầu tư quán cà phê, đầu tư thế nào"- ông Minh chia sẻ.
Theo Sơn Nhung (Nld.com.vn)