Theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của NHNN, nợ tại các TCTD được chia thành 05 nhóm, trong đó nợ quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên được coi là nợ xấu, bao gồm các nhóm nợ như sau: Nhóm 3 dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 – 180 ngày), nhóm 4 nghi ngờ (quá hạn từ 181 – 360 ngày) và nhóm 5 có khả năng mất vốn (quá hạn trên 360 ngày). Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ đã không được thanh toán đúng hạn và đã quá hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Có thể xoá nợ xấu tại CIC được không?
Hiện nay trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm, cá nhân quảng cáo "che nợ xấu", "xóa nợ xấu" tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) khẳng định, mọi quảng cáo về dịch vụ xóa nợ xấu đều là hành động lừa đảo.
Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật/lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo thông tin được các tổ chức tín dụng báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này.
"TTTD chỉ có thể được điều chỉnh nếu ghi nhận các sai sót do lỗi tác nghiệp và phải tuân thủ quy trình xác minh, kiểm tra nghiêm ngặt", CIC cho biết.
Có lịch sử nợ xấu thì có thể vay vốn được không?
Theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của NHNN, thông tin tiêu cực về khách hàng vay được CIC sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng theo thời gian tối đa 5 năm kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó.
Theo CIC, khách hàng có lịch sử nợ xấu vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng căn cứ khẩu vị rủi ro và nguyên tắc đánh giá khách hàng vay của tổ chức tín dụng. Việc đánh giá rủi ro đối với khách hàng dựa trên nhiều yếu tố theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của từng tổ chức tín dụng; thông tin do CIC cung cấp là một trong nhiều kênh tham khảo, hỗ trợ, không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của tổ chức tín dụng.
Theo Thanh Anh (An Ninh Tiền Tệ)