Ghi nhận tại khu Nam Hòa Xuân thấy, nhiều văn phòng giao dịch đất đai hoạt động rầm rộ hơn trước Tết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lô đất “sạch” 100m2, đường 7,5m ở đây được rao với giá từ 2,7 đến 3 tỷ đồng.
“Bây giờ xuống tiền mua là đúng thời điểm nhất, vì sắp tới đây, giá sẽ còn tăng nữa. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng “đẩy” (bán) 4, 5 lô, có hôm lên tới gần chục lô. Đảm bảo không lo đầu ra!”, chị Trang, một môi giới chắc chắn.
Theo giải thích của các “cò” đất, sở dĩ giá đất sẽ tăng cao, vì lãi suất ngân hàng đang xuống thấp, đồng thời Việt Nam cũng đã nhập được vắc - xin COVID-19 nên mối lo về dịch bệnh không còn căng thẳng, kinh tế từ đó sẽ phục hồi.
Tại khu đô thị FPT (quận Ngũ Hành Sơn), “cò” đất cũng liên tục chào mời và đăng thông tin các lô đất cần giao dịch trên mạng. Mỗi m2 đất giá từ 25 triệu đồng. Một số cư dân trong khu đô thị cho hay, gần đây, không hiểu sao đất khu này liên tục được rao bán. Dù được “khuấy” lên rộn ràng nhưng rất ít người tới mua.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS cho hay, trước và sau Tết, tình hình bất động sản Đà Nẵng vẫn bình thường, không tăng giá.
“Sau đợt dịch COVID - 19 lần 2, bất động sản Đà Nẵng cũng có giao dịch nhưng rất ít. Giờ lại bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ 3. Nói chung tình hình rất trầm lắng chứ không như đồn thổi tăng giá, mua bán rộn ràng”, ông nói.
Trong khi đó, hàng loạt khách sạn, nhất là khu vực gần biển, nơi lưu trú lựa chọn hàng đầu của du khách khi tới Đà Nẵng cũng được rao bán. Ví dụ như khách sạn 4 sao trên đường Hà Bổng giá 40 tỷ đồng, khách sạn 5 sao trên đường Dương Đình Nghệ 36 tỷ đồng…
Các homestay và căn hộ ở khu vực này giá trên dưới 10 tỷ đồng cũng rất nhiều. Theo một số môi giới, đây là mức giá bán tháo, vì không có người mua cũng không thể giữ lại, vì không kinh doanh được.
Ông Lập nhìn nhận, việc giảm giá bất động sản du lịch đã diễn ra từ đầu năm 2020 và giảm nhiều hơn nữa vào nửa cuối năm này, do áp lực về tài chính của các chủ sở hữu. Cho đến hiện tại, mức điều chỉnh giảm vẫn còn.
"Sau quý 2 năm nay, thị trường BĐS Đà Nẵng mới phục hồi lại. Hàng loạt các dự án đầu tư công về hạ tầng đang được chính quyền triển khai rầm rộ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho thành phố sau suy giảm tăng trưởng trong năm 2020. Đây cũng là động lực lớn để tạo sức hút cho thị trường BĐS".
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS
Giữ giá để không ảnh hưởng đầu tư
Trước thông tin Đà Nẵng rục rịch tăng giá đất, UBND thành phố khẳng định đó là thông tin chưa chính xác và không có cơ sở.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố đang rà soát, thẩm tra các vấn đề liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát xây dựng bảng giá đất phù hợp tình hình thực tế của thành phố.
Thông tin giá đất rục rịch tăng đã ảnh hưởng đến môi trương đầu tư của Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đức Lập cho hay, giá BĐS là một yếu tố lớn cấu thành vào sản phẩm của doanh nghiệp nên đương nhiên sẽ tác động đến việc đầu tư và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Lập, Đà Nẵng cần phải xác định phải đi vào giai đoạn phát triển mới, đó là phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng công nghệ, sức mạnh từ nguồn nhân lực có trình độ và sức hút từ thị trường dân cư đông đúc tại chỗ.
“Nhà đầu tư sẽ tự khắc tìm kiếm nơi phù hợp để lựa chọn chứ không phải doanh nghiệp nào cũng tìm nơi có giá BĐS rẻ để đầu tư. Minh chứng rõ nét là rất nhiều doanh nghiệp vừa đăng ký đầu tư hàng trăm triệu USD vào khu công nghệ cao mới đây”, ông nói.
Tại hội thảo của Sở TNMT TP Đà Nẵng vào cuối năm 2020, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG kiến nghị, Đà Nẵng cần có bảng khung giá đất mới. Theo bà, khi giá đất tăng, thành phố đã điều chỉnh bảng khung giá tăng theo thị trường, hiện nay, giá đất xuống thì thành phố cũng cần điều chỉnh cho phù hợp biến động thị trường.
Theo Thanh Trần (Tiền Phong)