Người bán, người mua được trực tiếp giao dịch
Từ năm 2017, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện.
Theo đó, mô hình mua bán điện trực tiếp thông qua hợp đồng tài chính được lựa chọn áp dụng tại Việt Nam. Trong mô hình này, khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện sẽ ký kết một hợp đồng tài chính song phương dạng hợp đồng kỳ hạn, với mức giá và sản lượng điện cố định do hai bên tự thỏa thuận.
Khách hàng sử dụng điện mua điện từ tổng công ty điện lực theo giá điện được tham chiếu đến giá thị trường điện giao ngay trong từng chu kỳ. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ thanh toán cho tổng công ty điện lực chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp cho toàn bộ sản lượng điện tiêu thụ, bao gồm các chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối điện, chi phí vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện và chi phí dịch vụ phụ trợ.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đánh giá: Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) được đề xuất là một cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư và đầu tư tư nhân, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác với cam kết của các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải cacbon và phát triển bền vững.
“DPPA đã được thiết kế và xem xét trong khoảng 6 năm, đây là cơ chế được sử dụng ở nhiều quốc gia và chúng tôi hy vọng có thể có hiệu lực trong năm nay”, Amcham bày tỏ đồng thời kỳ vọng việc phê duyệt cơ chế DPPA có thể "mang lại hàng tỷ đô la đầu tư từ khu vực tư nhân".
HIệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam cũng tin rằng: DPPA là một cơ chế quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng xanh. Việc phê duyệt DPPA có thể mở ra nguồn tài chính khổng lồ từ khu vực tư nhân.
EVN là trung gian, chỉ nhận phí "ship"?
Năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và kiến nghị việc xây dựng Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện.
Nhưng đến tháng 5/2022, hình thức văn bản đã đổi thành Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo dự thảo này, khách hàng sử dụng điện mua điện từ tổng công ty điện lực theo giá bán lẻ hiện hành; đồng thời trực tiếp ký kết với đơn vị phát điện một Hợp đồng kỳ hạn (Contract for Difference - CFD) với giá và sản lượng điện do hai bên thỏa thuận cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai.
"Như vậy, theo nguyên tắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đại diện cho khách hàng mua điện từ đơn vị phát điện theo giá thị trường điện giao ngay và bán lại cho khách hàng theo giá điện bán lẻ. Khách hàng được lựa chọn và tiếp cận nguồn gốc của năng lượng sạch mà họ sẽ sử dụng để sản xuất và kinh doanh, nhằm mục đích bảo vệ môi trường và được công nhận bằng các chứng chỉ năng lượng tái tạo (Renewable Energy Certificates - RECs).
EVN được bù đắp chi phí quản lý và truyền tải điện bằng phần chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá thị trường giao ngay", một phân tích được đăng tải trên trang web của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, một chuyên gia am hiểu về quá trình xây dựng DPPA nhận xét, cơ chế mua bán điện trực tiếp đang vướng rất nhiều vấn đề, nên vẫn chưa được ban hành. Thiết kế mới của cơ chế DPPA cũng không còn như ban đầu.
Theo chuyên gia này, thiết kế DPPA trước đó mang tính thị trường cao, khách hàng được phép mua trực tiếp trên thị trường điện. Có nghĩa, khách hàng B có thể mua trực tiếp từ đơn vị A, không mua qua các công ty điện lực. Theo đó, khách hàng B ủy quyền cho đơn vị điện lực C mua điện từ đơn vị A. Điện lực C chỉ đóng vai trò như người “ship hàng” cho khách hàng B và nhận một khoản phí.
"Nhưng thiết kế vừa rồi của Bộ Công Thương lại không phải như vậy, mà theo hướng đơn vị phát điện A bán trên thị trường điện, khách hàng B phải mua điện qua công ty điện lực C. Tức là, đơn vị điện lực C mua từ đơn vị A rồi đặt ra một loạt chi phí, sau đó ấn định giá bán lại cho khách hàng B", ông nhận xét.
Theo ông, lợi ích của thiết kế này là cơ chế DPPA có thể thực hiện được ngay, không vướng một khung pháp lý nào, chỉ phải sửa thông tư liên quan đến bán điện lên thị trường điện.
Như vậy, căn cứ nào để khách hàng B và đơn vị phát điện A ký một hợp đồng bù trừ, và làm thế nào để biết rõ điện mà khách hàng B mua chính là điện sạch. Bởi vì khách hàng B không mua trực tiếp từ đơn vị A.
Cho nên, cơ chế DPPA ấy chỉ chứng minh được sự liên kết bằng một chứng chỉ năng lượng tái tạo (hay còn gọi là chứng chỉ xanh) thì mới đưa ra được một hợp đồng bù trừ giữa khách hàng B và đơn vị phát điện A.
“Khách hàng B và đơn vị phát điện A phải ký một hợp đồng thể hiện mua chứng chỉ xanh của đơn vị phát điện A. Trường hợp này còn rối rắm hơn vì đến nay chưa có một quy định nào về thị trường chứng chỉ xanh”, vị chuyên gia cho biết.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)