Bức tranh tài chính đẹp đẽ của doanh nghiệp cũng không thể cứu vớt được niềm tin của nhà đầu tư. Cổ đông công ty liên tục bán tháo cổ phiếu RAL dưới sức ép cà tính chất nghiêm trọng của vụ cháy ngày 28/8 vừa qua.
Đóng phiên giao dịch ngày 10/9, RAL đã giảm về 72.000 đồng/cổ phiếu, giảm 2.600 đồng tương ứng mất giá 3,5% so với phiên trước đó. Trước đó RAL có mức giảm 3 phiên liền từ mức 83.250 đồng/cổ phiếu về mức 72.000 đồng. Cụ thể, phiên 5/9 giảm 4.900 đồng/cổ phiếu, ngày 6/9 giảm 3.500 đồng/cổ phiếu, ngày 6/9 giảm 2.900 đồng/cổ phiếu, ngày 9/9 giảm 2.900 đồng/cổ phiếu.
Chỉ trong 4 phiên, cổ phiếu RAL đã mất giá 14% tương ứng vốn hoá bốc hơi hơn 160 tỷ xuống còn 828 tỷ đồng. Đây là đợt sụt giảm giá cổ phiếu lớn nhất của RAL kể từ giữa năm 2016.
Kết quả kinh doanh tốt
Rạng Đông là doanh nghiệp thuộc thế hệ vàng son trong ngành chiếu sáng với thương hiệu "vang bóng một thời". Công ty được thành lập năm 1961 trực thuộc Bộ Công nghiệp. Doanh nghiệp này cùng với Điện Quang được cổ phần hoá khá sớm và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ năm 2006. Hiện Rạng Đông chiếm thị phần phích nước lớn nhất cả nước và thuộc top đứng đầu ngành chiếu sáng tại Việt Nam.
Rạng Đông kinh doanh hiệu quả, các chỉ số tài chính của doanh nghiệp này "đẹp như mơ". Hiện doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ 115 tỷ đồng, tương ứng 11,5 triệu cổ phiếu lưu hành. Cơ cấu cổ đông rất cô đặc.
Với số vốn điều lệ ít ỏi so với các doanh nghiệp trên sàn, nhưng hiệu quả kinh doanh của Rạng Đông thuộc hàng "nhỏ mà có võ". Với số vốn điều lệ ít ỏi 115 tỷ đồng, năm 2007 công ty đạt doanh thu 788 tỷ đồng nhưng đến năm 2018 con số này đã lên tới 3.637 tỷ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 54 tỷ lên mức 204 tỷ đồng trong khoảng thời gian trên.
Công ty cũng duy trì mức trả cổ tức cao qua các năm. Những năm gần đây như 2017 - 2018 mức cổ tức chi trả là 50% bằng tiền mặt. EPS của Rạng Đông luôn ở mức hàng top của thị trường chứng khoán, vượt 19.000 đồng.
Rạng Đông là công ty tăng trưởng vượt bậc qua mỗi năm. 6 tháng năm 2019, Rạng Đông tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng 21% lên mức 1.804 tỷ đồng và 96,4 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính đã soát xét quý 2/2019, Rạng Đông có tổng tài sản 2.781 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt lên tới 538 tỷ đồng gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp này ghi nhận ở mức khá cao lên tới 1.069 tỷ. Nợ phải trả của Rạng Đông đạt 1.947 tỷ, công ty chủ yếu vay ngắn hạn. Nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đạt 96,4 tỷ, quỹ đầu tư phát triển lên tới 284 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất của Rạng Đông hiện nay là Công đoàn công ty với mức sở hữu 44,96%, cổ đông lớn thứ hai là Lê Thị Kim Yến nắm 15,1%. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Đoàn Thăng chỉ nắm 1,86% cổ phần. Còn lại là các lãnh đạo công ty và các cổ đông nhỏ lẻ.
Như vậy, trong trường hợp Rạng Đông phải buộc bồi thường thiệt hại cho người dân bị thiệt hại trong vụ cháy ngày 28/8 vừa qua thì công ty này cũng có thừa tiềm lực tài chính để thực hiện.
Trách nhiệm bồi thường như thế nào?
Liên quan đến quyền lợi đòi bồi thường của người dân, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội khẳng định, hậu quả của vụ cháy này mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy, Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi.
Trong vụ việc này, kể từ khi đám cháy xảy ra đến khi công ty nhận trách nhiệm, xin lỗi là cả một khoảng thời gian. Trước đó, công ty này còn cho rằng sau khi hỏa hoạn, công nhân dọn dẹp và làm việc bình thường... không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến môi trường, không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào đối với người dân. Bởi vậy, những thiệt hại xảy ra đối với người dân có một phần lỗi của người đứng đầu, người có chức trách nhiệm vụ của công ty này. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng, theo pháp luật kể cả trong trường hợp công ty này không có lỗi thì vẫn phải bồi thường. Còn trường hợp có lỗi trách nhiệm bồi thường sẽ lớn hơn và có thể xem xét về trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn thì sẽ xử lý hình sự người có nhiệm vụ đối với việc phòng cháy chữa cháy ở công ty này.
Đám cháy của công ty này đã gây ra những thiệt hại về tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Những tài sản bị thiệt hại có thể do cháy, cho khói bụi, kể cả thiệt hại về kinh doanh do phải đóng cửa hàng, giảm doanh số, chi phí để khắc phục, sửa chữa, chi phí phải di chuyển người, tài sản... cũng là cơ sở để phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại. Toàn bộ những thiệt hại về tài sản từ vụ cháy đối với tổ chức, cá nhân thì công ty này có trách nhiệm phải bồi thường theo quy định tại điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể hiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Tổng số tài sản phải bồi thường đối với từng hộ gia đình, cá nhân sẽ là tổng số thiệt hại của các khoản, các mục nêu trên. Thiệt hại được tính trên giá trị thực tế đã xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai. Bởi vậy các hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thiệt hại có thể căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên để thống kê và yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Trong trường hợp công ty này không bồi thường đúng, đầy đủ, kịp thời người bị thiệt hại có quyền khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ngoài việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản những người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có quyền yêu cầu công ty này phải bồi thường.
Theo Bạch Huệ (VnEconomy.vn)